"Quyết định lớn nhất của tôi là ra ở riêng"

Trần Quốc Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) ngồi trên xe lăn từ nhỏ, tay và chân bị co quắp do ảnh hưởng của căn bệnh bại não (Cerebral Palsy). Việc phát âm cũng rất khó khăn thế nên từ nhỏ Hiệp không được đến trường.

"Căn bệnh bại não đã cướp đi rất nhiều ước mơ của tôi" - Hiệp nói - "Bố mẹ mở quán tạp hóa nhỏ. Ngày tôi tôi ra trông quầy và nhìn thế giới bên ngoài qua khung cửa sổ. Ông nội thương tôi nên đã mua bảng chữ cái bằng nhựa để dạy tôi học chữ".

Từ bảng chữ cái làm bằng nhựa học tại nhà, Hiệp giờ đây còn có khả năng nghe hiểu và giao tiếp bằng tiếng Anh cơ bản. Ước mơ của chàng trai bị bại não ấy là đi học và anh tự học. "Các chương trình ca nhạc quốc tế phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khiến tôi thích thú với ngoại ngữ" - Hiệp kể.

Chiếc máy tính đầu tiên Hiệp có là được người họ hàng thanh lý. Thế giới Internet đã kết nối những người khuyết tật với nhau và cho họ mở rộng cơ hội cả về việc làm và tình yêu.

Mọi sinh hoạt của Hiệp đều phụ thuộc vào người hỗ trợ. Bố mẹ lo nhất là một mai họ không còn nữa, ai sẽ là người lo cho Hiệp. Ấy vậy mà, một năm về trước, ở tuổi 34, Hiệp quyết tâm xin ra ở riêng cùng với một người bạn cũng là người bại não. "Đó là anh Tuấn. Anh ấy còn bị khuyết tật nặng hơn tôi nhưng sống độc lập. Hằng ngày anh đi bán một số mặt hàng trên xe lăn, có tiền để nuôi sống bản thân, trả tiền nhà trọ và trả công cho người hỗ trợ - PA".

Nguyễn Thùy Chi là thành viên trong cộng đồng người bại não. Chi cũng lặn lội từ quê ở một tỉnh xa xôi phía Bắc để về Hà Nội học đại học. 4 năm đại học là 4 năm tự lập nên em hiểu con người ta trưởng thành hơn khi biết vượt qua nghịch cảnh. Chi đã cổ vũ nhiệt tình tinh thần sống độc lập của Hiệp.

Chuyển ra ngoài phòng trọ ở là quyết định lớn nhất trong cuộc đời thanh niên của Hiệp. Anh bắt đầu kinh doanh online và làm quen với những mối quan hệ mới.

"Tổ chim cúc cu"

Ở một vùng quê xa của tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội gần 100 cây số, cô bé Lê Thị Vân học hết lớp 7 thì phải nghỉ học. Ánh sáng của đôi mắt mờ dần rồi tắt hẳn. Vân trở thành người khiếm thị.

Vân và Hiệp quen nhau qua mạng xã hội. Chẳng ngờ “Tổ chim cúc cu” vừa là tên gian hàng khởi nghiệp của Hiệp lại cũng như báo hiệu một cuộc sống lứa đôi.

"Sau một năm quen nhau thì tôi lên nhà Vân" - Đó là một ngày tháng 10 năm ngoái. Vân mất ngủ. "Bình thường 6h em dậy mà hôm đó em dậy từ 4h sáng".

Nhà Vân là nhà sàn. Hiệp có thể nhìn thấy Vân, nhưng Vân thì không.

"Vân đứng ở giữa sân, mặc quần bò, áo màu xanh, giơ tay lên vẫy vẫy và nói qua điện thoại "nhà em ở đây" - Hiệp nhìn Vân xúc động.

Bố mẹ Vân là những người nông dân chính hiệu. Ngày hôm đó, cả hai đều không đi làm ruộng để ở nhà tiếp bạn của con gái từ Hà Nội lên. Mẹ Vân người thấp đậm, mặc chiếc áo hoa và quần đen đứng ở cầu thang nhà sàn nở nụ cười chào đón hai thanh niên là Hiệp và Tuấn.

Sau lần đó tình cảm cứ nảy nở dần trong lòng đôi trẻ. Hiệp ngỏ lời 3-4 lần Vân đều tránh đi. "Mưa dầm thấm lâu". Vân và Hiệp xác định mối quan hệ dài lâu.

Rồi Vân xuống Hà Nội làm tầm quất. Hiệp đề xuất hai đứa về với nhau, chăm sóc nương tựa vào nhau. Bố mẹ hai bên lúc đầu phản đối nhưng sự quyết tâm xây dựng tổ ấm riêng của Hiệp khiến gia đình cũng thuận tình, chúc phúc. Chị Đinh Lan Anh - Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam đã dành một phòng nhỏ ở tầng một của doanh nghiệp xã hội để Hiệp và Vân sinh sống. "Tổ chim cúc cu" hiện ở Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội .

Đôi trẻ Hiệp - Vân đã xây dựng "Tổ chim cúc cu" như thế nào? Mời nghe tại đây:

Lời ban biên tập:

Qúy vị thân mến, nếu gõ cụm từ “Tổ chim cúc cu” trên mạng xã hội facebook, biết đâu bạn sẽ tìm được một món hàng mình thích và cũng góp thêm một cọng rơm xây dựng tổ chim của đôi bạn trẻ. Facebook anh Trần Quốc Hiệp: https://www.facebook.com/ho.con.148