Trong tác phẩm “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” đã ghi rằng: Vua Lê Thánh Tông là đại diện của sự ấm no và an lành, của thái bình và thịnh trị. Nhắc đến ông là nhắc đến một dòng suối mát phủ lấy trang sử xanh của dân tộc”.

Ngay sau khi lên ngôi, dù trong bối cảnh đất nước có nhiều rối ren trước đó nhưng vua Lê Thánh Tông đã tiến hành cải tổ đất nước. Nếu như trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của nước ta, triều đại nhà Hậu Lê trị vì 361 năm là triều đại đã duy trì, phát triển đất nước được lâu dài nhất trong xã hội phong kiến thì 38 năm cầm quyền của vua Lê Thánh Tông cũng là giai đoạn quốc gia Đại Việt đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực.

PGS.TS, Đại tá Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho rằng: “Đây là thời thịnh trị thời Hậu Lê. Nước Đại Việt dưới triều Lê Thánh Tông trở nên một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở vùng Đông Nam Á. Nhà vua đã chăm lo xây dựng một vương triều quân chủ tập quyền mạnh, có quy củ trên nền tảng đất nước thịnh đạt, đất nước phát triển mọi mặt, nhân dân được sống trong thanh bình và yên vui, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc.”

Ở tất cả các lĩnh vực, nhà vua đều thực hiện cải cách rất quyết liệt. Hoàng đế Lê Thánh Tông ngay sau khi lên ngôi đã xác định, nông nghiệp vẫn là cái gốc của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò quan trọng trong sự hưng vong của xã tắc. Ông cho rằng: “Phi nông bất ổn”, "Thực túc binh cường, non lương quỳ gối". Vì vậy chăm lo, khuyến khích việc nông tang, điền thổ được vua hết sức coi trọng.

Lê Thánh Tông cũng được giới nghiên cứu các triều đại sau đánh giá là vị vua tiêu biểu nhất chăm sóc nghề nông. Bởi sau khi kế vị vua cha Lê Thái Tông được chín tháng, đến tháng 3 năm Tân Tỵ (tức năm 1461) hoàng đế Lê Thánh Tông đã hạ chỉ: “Từ nay về sau, trong hương thôn phải khuyến khích thần dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn đủ mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán, người nào có ruộng đất mà bỏ hoang không cày cấy thì quan quản hạt bắt đem xử tội”.

Không chỉ có thế, trong lời dụ nhân dịp Tết Ất Tỵ (1485) vua đã dặn: “Phải coi trọng để có đủ cơm ăn, nhà nhà có bánh chưng ăn Tết, việc ấy cũng quan trọng như việc lễ nghĩa để sửa lòng dân, hai điều ấy là việc cần kíp của chính sự triều đình, là chức phận của các quan nuôi dưỡng thần dân”.

Sử sách còn ghi lại cứ 2 năm 1 lần, nhà vua hạ sắc chỉ về phát triển nghề nông, vì vua coi tăng gia sản xuất lúa khoai là quốc sách. Bất cứ sắc chỉ nào vua ban đều nhắc lệnh cho các quan quản hạt phủ, huyện, châu phải đôn đốc dân luôn đắp sửa đê điều, sửa đường, be bờ giữ nước, dẫn thuỷ nhập điền, chăm sóc đồng ruộng, lúa ngô. Viên quan nào tuy đốc đủ thuế khoá, nhưng lơ là việc đê điều, đường xá, cản trở việc cày cấy, thu hoạch mùa màng ở hương thôn sẽ không được thăng cấp trong kỳ khảo khoá (tức là xét công để thăng giáng quan lại) để răn dạy kẻ coi thường chăn dân để an dân.

Cùng với chính trị, vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như: Sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, kêu gọi người phiêu tán về quê, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người. Về thuế má, vua Lê Thánh Tông quy định người già từ 60 tuổi trở lên và hoàng đinh (thanh thiếu niên) dưới 18 tuổi, cùng những người tàn tật và những người thuộc về tráng (hạng tòng quân) đều được miễn thuế đinh. Ông còn định lệ thuế đất, thuế ruộng và thuế đất bãi trồng dâu. Cả ba thứ đất này đều được chia làm 3 hạng, dựa theo số mẫu mà đóng thuế.

PGS.TS, Đại tá Lê Đình Sỹ cho biết: “Vua Lê Thánh Tông đã hoàn chỉnh chế độ quân điền, ban hành chế độ lộc điền, thi hành chủ trương lập đồn điền để khai thác hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng thêm tích trữ cho nhà nước. Nhà vua còn khuyến khích việc khai hoang, chăm sóc, tu bổ đê điều, khai đào nhiều kênh ngòi để tưới tiêu cho đồng ruộng, vừa chống lũ lụt, mở mang giao thông đường thủy”.

Khi nói thời Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông, không chỉ có Luật Hồng Đức, bản đồ Hồng Đức mà còn có đê Hồng Đức, kênh nhà Lê… đến nay vẫn còn in dấu trên nhiều vùng của đất nước Việt Nam. Những dấu tích ấy là những minh chứng để nói đến một vị vua quan tâm rất nhiều đến kinh tế nông nghiệp, đê điều, chú trọng đến công tác khai hoang phục hóa. Nhờ chính sách khai hoang, phục hóa mà tình trạng dân cư phiêu bạt, tha phương cầu thực xảy ra khắp đất nước được chấm dứt. Nhiều làng xóm cũ và hàng loạt làng xóm mới được thiết lập trong cả nước.

Nhà Lê rất chăm lo đến hệ thống thủy lợi, đê điều. Ở các đạo thừa tuyên đều có chức quan hà đê chuyên phối hợp với các quan phủ, huyện trông nom, sửa đắp đê điều và khuyến nông. Năm 1498, nhà nước ra quy định mỗi xã phải cử một xã trưởng chuyên trách việc đê điều và khuyến nông.

Như vậy, chính sách trọng nông của nhà Lê thực sự đạt kết quả tốt. Đến nửa sau thế kỷ XV, diện tích sản xuất tăng, tăng thêm nguồn thu nhập của nhà nước, bộ phận nông dân tư hữu, tự do tăng lên, điều hòa mâu thuẫn giai cấp, ổn định xã hội, nền kinh tế nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi và phát triển. Sự phát triển của nông nghiệp đã tạo cơ sở cho các ngành thủ công nghiệp, thương nghiệp có điều kiện phát triển nhanh chóng.

Không chỉ chú ý khuyến nông, vua Lê Thánh Tông còn chú ý tới các nghi lễ nông nghiệp nơi thôn dã. Năm 1458 vua định ra nghi lễ cầu mưa. Các việc dân sự thường ngày như hạn hán mà không cầu mưa, lụt lội mà không tháo nước, việc lợi mà không làm ngay, việc hại mà không trừ ngay, tai dị mà không cầu đảo thì phải xử tội “đi đày”.

Nhờ các chiếu chỉ thuận ý dân, nên nông nghiệp Đại Việt đã có hệ thống đê điều, mương máng xây dựng trên quy mô rộng, nhiều vùng đất hoang thành ruộng vườn tươi tốt, nên trong gần 38 năm vua Lê Thánh Tông trị vì, có tới 12 năm bị hạn hán, lụt lội, sâu phá, nhưng dân Đại Việt ta chỉ bị 2 năm đói kém.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có lời nhận định của sử quan Nho thần đời sau về ông: “Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thật là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể làm hơn được...”. Với một loạt thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… vua Lê Thánh Tông không những giữ vững mà còn mở mang được bờ cõi đất nước. Người dân được sống trong hòa bình, yên vui.

Có thể khẳng định, vua Lê Thánh Tông là một đấng minh quân toàn tài, mưu lược và đầy khí phách. Ông đã khắc danh tên tuổi của mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, được mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau luôn ngưỡng mộ.

Mời nghe nội dung bài viết tại đây: