17 năm qua, đã thành thông lệ thứ 7 cuối tháng 3 hàng năm, sự kiện Giờ Trái đất sẽ tổ chức trên toàn thế giới. Ở nước ta, qua mỗi năm số người biết đến và hưởng ứng lại đông hơn năm trước. "Giờ Trái đất đã lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố với lực lượng tham gia đông đảo nhất là người trẻ, học sinh, sinh viên" - ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết.

Sự kiện Giờ Trái là sự kiện quốc tế lớn nhất hàng năm do Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát động, lần đầu tiên tổ chức vào năm 2007 tại Sydney (Australia). Năm 2008, Giờ Trái đất đã được tổ chức ở Việt Nam và nhanh chóng trở thành sự kiện truyền cảm hứng cho lối sống đủ, có trách nhiệm với môi trường đặc biệt là nguồn năng lượng điện. Theo đó, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h 30 đến 21h 30 ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.

Trả lời phóng viên VOV2, Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, nếu như các năm trước, chúng ta có thể thấy truyền thông Giờ trái đất là những các sự kiện ngoài trời như đạp xe, đi bộ hoặc là gala âm nhạc... Nhưng từ năm 2020 khi đại dịch Covid -19 diễn ra, Bộ Công Thương đã chủ trương thực hiện các hoạt động chiến dịch Giờ Trái đất theo hướng chuyên sâu hơn.

"Chúng tôi đã thực hiện nhiều hơn hoạt động trên nền tảng Internet, tổ chức các hội nghị, các diễn đàn chuyên sâu về tiết kiệm điện, giảm phát thải khí nhà kính, về bảo vệ môi trường" - ông Vũ nói. Điển hình là cuộc thi online tìm hiểu Giờ trái đất; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" tổ chức từ năm 2023...Sự kiện Giờ Trái đất 2024 đã thu hút khoảng 90.000 người dân tham gia hưởng ứng. Ông Vũ cho rằng, tinh thần "Tiết kiệm điện - thành thói quen" đã được truyền thông sâu rộng đến người dân, các công ty, tổ chức. "Trong những năm tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện hưởng ứng Giờ trái đất theo hướng chuyên sâu như vậy" - ông Vũ khẳng định.

Đây là năm thứ hai Giờ Trái đất ở Việt Nam có thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen". Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần thông tin về tình hình thiếu điện trong mùa nắng nóng khu vực phía Bắc năm 2023 và dự báo các năm tới, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng với công nghiệp hóa đất nước thì năng lượng điện vẫn là vấn đề nhức nhối. Vì vậy, càng đặt ra việc phải tăng cường tiết kiệm điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm điện cũng sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến Trung hòa carbon vào năm 2050 - theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Nguyễn Vũ Anh Minh - Founder Mạng lưới GreenUni cho biết, thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen" thể hiện quyết tâm hành động quyết liệt và bền vững của Việt Nam, mong muốn đưa việc tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trở thành thói quen "thường nhật" của cộng đồng. "Chúng em sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức về tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tại các trường đại học, học cao đẳng. Từ đó, giúp nhiều bạn trẻ hình thành thói quen tốt và tham gia hành động đóng góp cho các hoạt động bảo vệ môi trường".

"Thói quen tiết kiệm điện là những điều rất giản dị"- theo ông Trịnh Quốc Vũ. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương đã công bố "cẩm nang" tiết kiệm điện đến với các doanh nghiệp, hộ dân như: Tắt điện khi ra khỏi phòng hoặc sử dụng các cái thiết bị điện một cách hợp lý. Điều hòa không nên đặt nhiệt độ quá thấp trong mùa nóng mà chúng ta chỉ nên đặt nhiệt độ ở mức khuyến khích 25-56 độ, vẫn đảm bảo sự tiện nghi mà không gây lãng phí điện...

"Đối với doanh nghiệp đã có những quy chế hoặc là sổ tay về vận hành thiết bị tiết kiệm điện, tối ưu hóa cái hệ thống năng lượng của doanh nghiệp. Những thói quen đi từ đơn giản cho đến phức tạp, tùy theo đối tượng sử dụng điện nhưng nó cần phải trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân, từ cháu nhỏ, học sinh cho đến người lớn tuổi sử dụng thiết bị điện trong gia đình, cũng như trong cơ quan, công sở và trong các doanh nghiệp" - ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

Nghe phỏng vấn ông Trịnh Quốc Vũ tại đây: