Trong bối cảnh mới, người lãnh đạo phải có cái nhìn toàn cục, không chỉ quản trị xã hội trong một địa phương mà phải nhìn lợi thế phát triển chung của đất nước. Đặc biệt khi cả xã hội phải thay đổi để thích ứng với đại dịch covid- 19 mà vị trí lãnh đạo lại chậm thay đổi, không có sự sáng tạo, quyết đoán, luôn vo viên tròn như hòn bi để lăn chỗ này chỗ khác cho an toàn thì rất nguy hiểm.

Ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa XV đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV VOV2 về trách nhiệm và bản lĩnh của người lãnh đạo khi chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

PV: Thưa ông Vũ Trọng Kim, đại dịch Covid- 19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thử thách cho cả đất nước, nhưng có lẽ đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận rõ hơn, cũng như đánh giá năng lực của những người lãnh đạo ở các cấp chính quyền?

Ông Vũ Trọng Kim: Có câu ca dao: “Có gió rung mới biết Tùng lá cứng, có ngọn lửa lừng mới biết thực vàng cao”. Bây giờ đại dịch xảy ra là những thay đổi rất lớn trong xã hội, đó là một thử thách cho sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng như chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tôi cho đó là một vấn đề đòi hỏi không bình thường nữa. Người lãnh đạo phải làm thế nào để phù hợp tình hình mới. Đó là bản lĩnh, đó là trách nhiệm rất cao đối với nhân dân.

PV: Trên thực tế, nếu đại dịch không xảy ra, câu chuyện năng lực của người lãnh đạo có thể được đánh giá theo cách bình thường, quen thuộc như từ trước đến nay vẫn vậy. Nhưng dịch bệnh xuất hiện, xã hội có sự thay đổi rất lớn, thì phải chăng, đòi hỏi lãnh đạo các cấp cũng phải có thay đổi phù hợp, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Kim: Trước hết người lãnh đạo phải thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân và trách nhiệm cao nhất trong lúc này là phải lo cho sức khỏe của nhân dân và lo cho những vấn đề còn lại là sự sống còn.

Thứ hai, đó là người lãnh đạo phải đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ trong thời điểm mà đòi hỏi cao về năng lực để giải quyết nhanh và hiệu quả những tình huống đặt ra.

Thứ ba, đó là vấn đề bản lĩnh. Có bản lĩnh để mà quyết đoán những vấn đề đặt ra hay không hay là cứ chờ tham mưu, rồi chờ hết ý kiến này đến ý kiến khác. Tôi cho rằng đó là 3 vấn đề quan trọng nhất thể hiện vai trò của người lãnh đạo và phải biết thích ứng với mọi hoàn cảnh để đương đầu với những thử thách.

PV: Trong phòng chống dịch đảm bảo an toàn là cần thiết, thế nhưng việc quá thận trọng, quá cứng nhắc trong phòng chống dịch có khi lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm và gây khó cho người dân?

Ông Vũ Trọng Kim: Tâm lý chung của những người lãnh đạo khi thấy rằng địa phương mình an toàn rồi thì không muốn có sự thay đổi. Nhưng như thế là họ chỉ nhìn trong phạm vi của địa phương, chứ không phải là cái nhìn toàn cục. Trong mối liên hệ này, người lãnh đạo không phải chỉ quản trị xã hội ở trong một địa phương mà phải nhìn lợi thế phát triển chung của đất nước. Và đó cũng mới là tinh thần chung để chống dịch. Khi cái gì cũng sợ hết và ngăn sông cấm chợ, là thể hiện cán bộ lãnh đạo yếu kém. Bởi vì khi mở ra không quản lý được, không chuẩn bị đủ tư thế, điều kiện cần thiết để tiến hành việc mở cửa, khôi phục kinh tế thì lại bị kỷ luật. Cho nên an toàn nhất là cứ cấm, cứ đóng cửa. Điều đó là thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo. Người dân đã phải gánh chịu biết bao khó khăn do dịch bệnh, giờ họ mong chờ bình thường mới thì phải mở cửa để dân chúng đi làm ăn, sản xuất và kinh doanh. Chứ chính quyền cứ đưa ra hết điều kiện này đến điều kiện khác với lý do là để an toàn thì thực ra lại là thất bại.

PV: Vậy có thể coi “sợ trách nhiệm trong chống dịch là biểu hiện của suy thoái”?

Ông Vũ Trọng Kim: Người dân cho rằng, sự suy thoái ở đây là vì không có sáng tạo không có sáng kiến mà cũng không làm được việc gì để giải quyết trong những tình huống cấp bách của đại dịch. Cái thứ hai, là làm người lãnh đạo mà không có mối liên hệ đầy đủ với các dữ liệu cần thiết để mạnh dạn quyết định. Chẳng hạn như quan hệ với các ngành chuyên môn y tế, công an, giao thông vận tải các ngành nghề khác nhau để từ đó có khả năng quyết đoán bằng chính năng lực của mình chứ không phải chỉ chờ đội ngũ tham mưu. Cái tài của người lãnh đạo là như vậy, còn không thì nói rằng thiếu trách nhiệm cũng đúng mà nói rằng là biểu hiện của suy thoái cũng đúng.

Cán bộ mà “mũ ni che tai” phải kiên quyết loạt bỏ

PV: Nghị quyết 128 của Chính phủ đề cao tinh thần sống chung an toàn với đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh mới như vậy, theo ông người đứng đầu cần thể hiện vai trò, bản lĩnh như thế nào để có những quyết sách nhanh và trúng, không để bị cản trở, bó buộc bởi tâm lý sợ sai không dám làm?

Ông Vũ Trọng Kim: Tôi cho rằng quyết định 128 về việc "thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19" là một nghị quyết phù hợp với yêu cầu hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có một người lãnh đạo tập trung trí tuệ, đầu tư ở mọi khía cạnh chuyên. Tinh thần chống dịch bây giờ chuyển trạng thái từ “không Covid- 19” sang “sống chung với Covid- 19”. Khi xã hội thay đổi trạng thái thì trong cách điều hành lãnh đạo cũng thích ứng với tình hình mới, phải thống nhất trên phạm vi cả nước chứ không cục bộ, cát cứ gây chia cắt, ách tắc giữa các địa phương. Chẳng hạn như việc mở lại hãng hàng không những ngày vừa qua cũng trục trặc liên tục. Chặng hạn như Hà Nội không mở được thì các tỉnh thành khác cũng ách tắc. Cho nên mối quan hệ toàn vùng, mối quan hệ toàn lãnh thổ là vấn đề quan trọng.

PV: Khi cả xã hội đều nỗ lực để sớm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới, thì vẫn còn những người lãnh đạo kiểu “mũ ni che tai”, thiếu bản lĩnh, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán ảnh hưởng đến những mục tiêu chung như thế thì cần xử như thế nào, thậm chí là sẽ cần cả những giải pháp mạnh hơn để loại bỏ ra khỏi hàng ngũ cán bộ lãnh đạo?

Ông Vũ Trọng Kim: Trong bối cảnh hiện nay, người lãnh đạo ngoài trách nhiệm cao đối với công việc thì cần cả sự điều hành chỉ đạo một cách linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả. Việc đưa ra những biện pháp phòng ngừa và chống dịch như thế nào đòi hỏi sự suy nghĩ đầy đủ, phải có trách nhiệm rất cao và cả sự thông minh, sáng tạo nữa. Chứ đang lúc nước sôi lửa bỏng mà người lãnh đạo bình chân như vại, "mũ ni che tai" thì phải kiên quyết loại bỏ.

Làm mà sợ va chạm, thiếu bản lĩnh thì không nên làm lãnh đạo

PV: Nhưng trên thực tế những người mà dám nghĩ dám làm dám nói thì lại thượng hay va chạm?

Ông Vũ Trọng Kim: Người ta thường nói “trung ngôn nghịch nhĩ”. Nhưng khi đã ở vị trí đảm đương công việc xã hội rồi thì việc ảnh hưởng tới công việc, tới chức vụ, ảnh hưởng tới chiếc ghế của mình cũng không nên ngần ngại gì. Còn những người không có bản lĩnh chấp nhận như thế thì cũng không nên làm lãnh đạo. Cái gì có lợi cho dân thì phải kiên quyết làm, cái gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Cứ theo tấm gương của Bác Hồ mà học tập. Tôi nghĩ rằng nếu sợ đụng chạm thì sẽ không trưởng thành được trong môi trường này.

PV: Kiên quyết loại bỏ những người lãnh đạo sợ trách nhiệm thì có lẽ cũng cần thiết phải có cơ chế để khuyến khích sự sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động đột phá vì lợi ích chung của cả cộng đồng, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Kim: Bộ Chính trị vừa rồi có ra Nghị quyết số 14 để ủng hộ và bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo, đó chính là một cơ chế để khuyến khích, phát huy vai trò của người người lãnh đạo. Tôi ngại nhất khi còn là người cán bộ bình thường thì rất sáng tạo nhưng khi được vào quy hoạch hay vào vị trí lãnh đạo thì không còn sâu sát với thực tế, không còn sự sáng tạo nữa mà vo viên tròn như hòn bi để lăn chỗ này chỗ khác cho an toàn. Thì đấy là cách mà tôi nghĩ rằng không giữ vững được khí tiết của người cách mạng, người cộng sản như cách gọi trước đây. Còn bây giờ, có nghĩa là không giữ được bản lĩnh. Tôi nghĩ rằng người cán bộ như vậy trước sau cũng thoái hóa biến chất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!