Các lực lượng ứng cứu đã dùng phao quây chuyên dụng bao quanh toàn bộ khu vực tàu bị chìm để ngăn lượng dầu tràn ra môi trường. Đồng thời, phối hợp cùng lực lượng bảo vệ của cảng cá Thọ Quang khoanh vùng hiện trường và bảo vệ tài sản trên tàu do lúc xảy ra sự số, chủ tàu không có mặt tại hiện trường.

Hiện tại, cảng cá và âu thuyền Thọ Quang đang bị tạm dừng hoạt động vì đây là chuỗi lây nhiễm Covid-19. Do đó, việc tiếp cận khu vực tàu chìm của lực lượng ứng cứu xử lý sự cố tràn dầu phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Chủ tàu cá QNG_92383 bị chìm là ông Phạm Hồng Đào, (sinh năm 1978) người Quảng Ngãi. Tàu của ông Đào đang neo đậu tại gần cầu phao Thái Quang và cầu cảng số 3 thì bị chìm. Nguyên nhân tàu chìm được xác định là do đậu lâu ngày, nước thẩm thấu, ngấm dần qua vỏ tàu vào hầm tàu, lượng nước tích tụ lâu ngày đã làm cho tàu bị nghiêng, nước tràn vào gây chìm tàu. Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách nên không có người trông coi tàu để bơm nước trong hầm tàu ra, nên mới dẫn đến sự cố.

Theo ước tính lượng dầu còn lại trong tàu khoảng 3m3. Lượng dầu tràn chủ yếu là dầu DO chạy máy, ngoài ra còn có dầu nhớt máy, dầu FO, dầu thải. Lượng dầu tràn ra đã làm ảnh hưởng đến môi trường xunh quanh. Khi khảo sát, nắp bình dầu bị bung, lượng dầu tràn ra hết bên ngoài, còn một lượng rất ít tại góc ngiêng của bình chứa dầu.

Ngay khi nhận được thông báo sự cố, từ lúc 01h00 sáng cho đến 04h00, về cơ bản Trung tâm SOS môi trường miền Trung đã khống chế, cô lập được lượng dầu tràn ra môi trường. Đến chiều cùng ngày, Trung tâm đã cô lập lượng dầu tràn trên mặt nước và phối hợp cùng nhân viên bảo vệ cảng cá lắp đặt đèn cảnh báo khu vực nguy hiểm, bảo vệ hiện trường để tiếp tục các công tác chuyên môn vào ngày tiếp theo.

Theo ông Hoàng Cộng Hòa, Trưởng đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tại khu vực miền Trung (Trung tâm SOS môi trường miền Trung), sau khi hút hết dầu và lượng nước nhiễm dầu còn lại trong thùng chứa ra, trung tâm sẽ tiếp tục dùng vật tư thấm hút thu hồi hết dầu trên mặt nước đem đi xử lý. Đồng thời quan trắc lượng dầu ra môi trường, lấy mẫu và lưu mẫu trong ngày 04/08. Trong khi tiến hành vẫn tiếp tục quây phao, đợi chủ tàu và cơ quan quản lý đưa ra phương án trục vớt tàu.

Trong trường hợp tàu được trục vớt thì đơn vị ứng phó sẽ quây phao cho đến khi trục vớt xong, dùng vật tư thấm hút sạch dầu trên mặt nước cuối dùng sử dụng bột vi sinh phân hủy dầu thân thiện môi trường phun xung quanh khu vực tàu bị chìm và theo hướng dòng chảy. Đồng thời, lấy mẫu lần cuối các điểm theo yêu cầu và thu dọn hiện trường theo quy định.

Trong trường hợp chưa trục vớt được thì Trung tâm SOS miền Trung cũng sẽ thực hiện quy trình làm sạch, phun bột vi sinh phân hủy dầu và thu hồi phao, dọn hiện trường, lấy mẫu đánh giá tỷ lệ dầu mỡ khoáng trong môi trường nước.

Các cơ quan chức năng cùng phối hợp xử lý xử lý sự cố tràn dầu quyết tâm sẽ bảo vệ môi trường, không để dầu tràn làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực cảng. Đồng thời, làm sạch môi trường và quây phao cho đến khi trục vớt xong tàu cá.