Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ EVN trong việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian tới. Đây là khẳng định được GIZ đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) theo cơ chế tự sản tự tiêu không bán lên lưới (zero export) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức.

Tính đến nay, Việt Nam đã phát triển được 103.720 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất khoảng 9.602 MWp, chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện quốc gia.

Các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐTMMN nói riêng đã đóng góp tích cực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung do ảnh hưởng của hiện tượng El nino và giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao như hiện nay.

Theo EVN, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đồng thời, Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo cũng khuyến khích phát triển ĐMTMN tự dùng cho các cơ quan công sở, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp.

Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án ĐMTMN trong ngành thương mại và công nghiệp của GIZ khẳng định sẵn sàng hỗ trợ EVN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN trong thời gian tới./.