Ngày 22 tháng 4 năm 2024, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 52/NQ-CP ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản (hay còn gọi là IUU).

Chương trình hành động và Kế hoạch yêu cầu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ "chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ từ Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định tuy nhiên để chuyển biến sâu rộng, căn bản cần có sự vào cuộc của cả hệ thống trị. Trước bối cảnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bí thư Ban cán sự Chính phủ đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32 về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp IUU, Thường trực Ban Bí thư sẽ họp với các Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy tới cấp xã của 28 tỉnh ven biển để quán triệt Chỉ thị này và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, lực lượng kiểm ngư, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt chúng ta tin tưởng Thẻ vàng sẽ được gỡ trong thời gian sớm nhất", ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết.

Triển khai Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, nhiều địa phương đã có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ đạo của Ban Bí thư. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện chống khai thác IUU; kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định ở mức cao nhất đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác IUU. Đồng thời quyết tâm vừa tuyên truyền, vận động, vừa theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài… Ông Nguyễn Văn Chiến Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Bình Thuận là địa phương trực tiếp tham gia trong quá trình thẩm định, góp ý để hoàn thiện Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương hết sức vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đúng thời điểm rất quan trọng khi chúng ta đang triển khai các quyết liệt giải pháp khắc phục khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng như gỡ thẻ vàng thủy sản, hướng tới phát triển triển nghề cá bền vững, hội nhập quốc tế theo tinh thần Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Sau gần 7 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản, những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam từng bước được cải thiện. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và mới đây nhất là Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư cho thấy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước. Vấn đề hiện nay là việc thực thi ở các cấp độ của các địa phương, đây cũng là khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC qua thực tế kiểm tra ở các địa phương trong thời gian qua. Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng chống khai thác IUU là tiền đề để cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Hành động ở đây không phải để đối phó mà là hành động cho chúng ta nhiều hơn, đây là lúc các địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình trong việc cải thiện hành ảnh của quốc gia chứ không chỉ là vấn đề đơn thuần là gỡ “thẻ vàng” thủy sản, chống khai thác IUU.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Những mục tiêu vừa nêu sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam./.

Mời nghe phóng sự tại đây: