Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm

Ngày 22/07, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Theo đánh giá của Chính phủ, 5 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm mạnh; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt trước thời hạn hơn 2 năm...

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao.

Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Chất lượng môi trường một số nơi suy giảm...

Trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới 2021-2025, Chính phủ đặt ra 23 chỉ tiêu chủ yếu (08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội và 06 chỉ tiêu về môi trường).

Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng là, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả, sớm hồi phục kinh tế

Để thực hiện hiệu quả 23 chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng đó là, khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Trong các nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ, bứt phá, phát triển trong những năm tiếp theo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng dạy và học. Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả thị trường lao động. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp; tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, lấy doanh nghiệp làm trung tâm...