"Khi trở về em sẽ tự hào nói: Mẹ ơi! con là lính Trường Sa"

Đảo Trường Sa lớn ngày cuối tháng 4/2025, chiến sĩ trẻ Thạch Vĩnh Vinh, quê Bà Rịa-Vũng Tàu với bộ quân phục hải quân vững vàng bên vọng gác tiền tiêu.

Nửa năm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, chiến sĩ Thạch Vĩnh Vinh không nghĩ bản thân trưởng thành trong suy nghĩ nhanh đến vậy.

"Trước khi đi lính, em suy nghĩ còn mông lung, hay nọ kia nhưng nhập ngũ và được ra đảo làm nhiệm vụ, em thực sự thấy mình trưởng thành, không còn suy nghĩ lông bông. Đúng là trong khó khăn, thử thách em đã ngày một chín chắn", chiến sĩ Thạch Vĩnh Vinh chia sẻ.

Trường Sa - tiền tiêu của Tổ quốc. Nơi đó, người lính làm nhiệm vụ với nhiều khó khăn, gian khổ, không chỉ là nắng, gió biển, không chỉ xa xôi, cách trở mà còn đảm nhận nhiệm vụ lớn lao là bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Chiến sĩ trẻ Thạch Vĩnh Vinh hiểu được trọng trách cao cả ấy.

Nở nụ cười hiền hậu nhưng rắn rỏi, Vinh nói trong xúc động: "Đi lính đã là niềm tự hào rồi! Nhưng được ra biển đảo, ra Trường Sa em lại càng tự hào hơn nữa. Khi trở về với mẹ, em có thể tự hào nói rằng: Mẹ ơi con là người lính đảo, là người lính Trường Sa, bảo vệ tổ quốc này, em tin mẹ sẽ rất tự hào về em".

Gần 1 năm làm nhiệm vụ trên đảo Cô Lin, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), chiến sĩ trẻ sinh năm 2K5 Nguyễn Quốc Thắng không thể quên những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Những bỡ ngỡ ban đầu sớm nhường chỗ cho sự thích nghi với môi trường quân ngũ nơi đảo xa.

"Khi ra đảo em không lo lắng gì nhiều, mình cứ tự hào mà đi thôi…", chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Thắng tự tin nói.

Vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa. 36 năm về trước, nơi đây, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, quyết bảo vệ biển, đảo. Khắc ghi công lao của thế hệ đi trước những chiến sĩ trẻ hiểu mình cần phải làm gì để bảo vệ biển đảo quê hương.

"Khi ra đây em càng hiểu trách nhiệm lớn lao của bản thân để bảo vệ chủ quyền, hòa bình cho đất nước…", Thắng chia sẻ.

Làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, xa xôi cách trở - nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình, quê hương là điều không tránh khỏi. Nhưng như chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Văn Công (đảo Cô Lin), người lính đảo buộc phải thích nghi điều đó.

Thiếu tá Nguyễn Văn Công cho biết, hòn đảo nào ở Trường Sa điều kiện cũng giống nhau, mỗi hòn đảo là biết bao mồ hôi, công sức, xương máu thế hệ cha anh đi trước đổ xuống. Vì vậy, mỗi chiến sĩ công tác ở Trường Sa đều mang trong mình trách nhiệm lớn lao với tổ quốc.

"Chúng ta phải gìn giữ những gì mà cha ông ta đã phải đổ rất nhiều xương máu mới có được như ngày hôm nay", Thiếu tá Nguyễn Văn Công khẳng định.

Sau giờ huấn luyện, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo tích cực tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi và thư giãn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần.

Thiếu tá Nguyễn Văn Công chia sẻ, làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu tổ quốc với người lính xa nhà, nhất là lính Trường Sa thì hậu phương luôn là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều rất trẻ, hầu hết chỉ ở độ tuổi 20. Giữa trùng khơi, họ - những người lính trẻ vẫn lặng lẽ canh giữ bình yên cho tổ quốc bằng tất cả niểm tin và tình yêu đất nước. Họ là những người lính Trường Sa, kiên trung, vững vàng.

"Với biển đảo, em coi đó như gia đình mình vậy, mình phải ráng gìn giữ, bảo vệ nó…", chiến sĩ Thạch Vĩnh Vinh tự hào nói.