Mời nghe bài viết tại đây:

Buổi nói chuyện truyền thống của các cựu chiến binh (CCB) tại bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) với học sinh trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra trong bầu không khí xúc động.

Những câu chuyện của các CCB về những ngày tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc như những thước phim sống động, khơi dậy niềm tự hào một thời hoa lửa, hào hùng của cha ông. “Được các bác giới thiệu về văn hóa truyền thống của quê hương, về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ em thấy rất tự hào và hạnh phúc. Những buổi nói chuyện như thế này rất có ý nghĩa với chúng em, giúp chúng em thêm yêu lịch sử”, em Phạm Thế Mạnh chia sẻ.

Mặc dù đã có nhiều dịp đến thăm bảo tàng nhưng với em Trương Thành Đạt cũng như nhiều học sinh khác của trường, mỗi lần đến đây đều có những cảm xúc đặc biệt khi được tìm hiểu những hiện vật và được nghe các bác CCB kể chuyện. Đạt cho biết khi tham quan bảo tàng em được biết thêm nhiều ý nghĩa lịch sử, những trận đánh, những con người gắn liền với các hiện vật đó để hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương cũng như tinh thần anh dũng, kiên cường của thế hệ trước.

Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, hiện Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ tham quan, tìm hiểu. Những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của địch, cũng là những tư liệu vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người. Ông Lâm Văn Bảng – Giám đốc bảo tàng cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức nói chuyện để các em hiểu được giá trị, sự hy sinh xương máu của các anh. Chúng tôi tổ chức đi về nguồn để các em thấy được chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay không phải đơn giản mà đó là xương trắng máu đào của bao lớp người đã hiến dâng cho đất nước này. Chúng tôi muốn trao truyền tinh thần đó cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau", ông Bảng cho biết.

Cùng với các buổi tham quan, nói chuyện truyền thống, bảo tàng còn phối hợp với huyện Đoàn tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thi, giao lưu văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, đốt lửa trại truyền thống, các chuyến tham quan, về nguồn, hay tổ chức các cuộc thi như: “Mãi mãi tuổi 20”; “Tre già măng mọc”; “Âm vang Điện Biên; “Tuyên truyền ca khúc cách mạng”…đã thu hút được rất nhiều học sinh tham gia. Sau khi được nghe kể về những chặng đường lịch sử của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ em cảm thấy rất tự hào và khâm phục cha ông ta đã anh dũng chiến đấu để viết nên trang sử vàng của dân tộc, điều đó khiến chúng em rất tự hào, em Phạm Mạnh Thắng bày tỏ.

Thực tế cho thấy, khi được tiếp cận với lịch sử bằng những hình thức sinh động, trực quan và cảm xúc, học sinh sẽ dễ dàng ghi nhớ và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc. Chị Lê Thúy Hòa – giáo viên trường cho rằng việc đổi mới phương pháp giáo dục truyền thống sẽ giúp học sinh thêm yêu lịch sử quê hương.

Trong dòng chảy hiện đại đầy sôi động, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ không chỉ là truyền dạy lịch sử - mà còn là vun đắp lý tưởng, nhân cách và khát vọng cống hiến. Bởi một dân tộc sẽ luôn trường tồn nếu thế hệ tương lai hiểu rõ và tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông./.