Họa sĩ Trần Nguyên Hiếu gắn bó với đảo Trường Sa khi ông là chàng lính trẻ. Sau những chuyến đi Trường Sa trở về, ông đã coi đảo là nhà, các chiến sĩ là người thân. “Mỗi khi rời đảo, các chiến sĩ đồng thanh hô: chúc bố Hiếu khỏe. Đó là tình cảm gắn bó giữa người nghệ sĩ với những người lính đảo"- Họa sĩ Trần Nguyên Hiếu bày tỏ.
Trong những năm tháng chống Mỹ, họa sĩ Trần Nguyên Hiếu làm nhiệm vụ tác chiến nên gần như ông phải có mặt ở nhiều mặt trận, trực tiếp đối mặt với khói lửa, chiến tranh. Nhưng dưới nét vẽ của người họa sĩ, không chỉ có súng đạn, chết chóc mà còn là những bức kí họa chân dung bộ đội lúc ngưng tiếng súng.
Họa sĩ Trần Nguyên Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương ở phố Hàng Đường, Hà Nội. Năm 1973, với tinh thần yêu nước của thanh niên thủ đô, ông sẵn sàng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Trên dọc dài đường chiến đấu, họa sĩ Trần Nguyên Hiếu thường phác họa rất nhanh về địa điểm và con người ở đó. Ông có sở trường vẽ tranh trên chất liệu kim loại mà những tác phẩm về người lính lại không dùng chất liệu này nên ông dùng sơn dầu để phác họa hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ. Trong số vài chục bức về người lính như "Biển nghiêng", "Bộ đội Trường Sa 1,2,3", "Thác Bản Dốc", "Kéo co 1,2,3"... đa phần đều nhận được giải thưởng và được treo tại Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Mỹ thuật.
Giờ đã ở tuổi nghỉ hưu, không có điều kiện ra thăm Trường Sa nhưng họa sĩ Trần Nguyên Hiếu vẫn dành thời gian để gặp gỡ và giao lưu với các chiến sĩ trẻ. “Tôi biết họa sĩ Trần Nguyên Hiếu gần 40 năm rồi. Tranh của anh Hiếu về đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, về Trường Sa thường tạo hình cô đọng, màu sắc mạnh mẽ và tính khái quát chủ đề rất cao. Anh thường gửi đến người xem thông điệp là mỗi người dân phải chung sức bảo vệ vùng biển tươi đẹp, giàu tiềm năng của đất nước ta”- Bà Trần Thị Quỳnh Như- nhà phê bình mỹ thuật, bạn học của họa sĩ Trần Nguyên Hiếu nhận xét.
Nhiều tuổi hơn họa sĩ Trần Nguyên Hiếu nhưng họa sĩ Trần Đốc được trời phú cho sức khỏe và niềm đam mê vẽ. Ở tuổi 84, ông vẫn đủ sức khỏe để sáng tác tranh, đàn hát và khiêu vũ. “Tôi tự nhủ, còn sống là còn vẽ và chính những năm tháng trong quân ngũ đã rèn luyện cho tôi tinh thần đó. Ở tuổi này, nhiều họa sĩ buông bút nhưng tôi nghĩ là tinh thần không được lùi bước”- họa sĩ Trần Đốc chia sẻ.
Họa sĩ Trần Đốc nhập ngũ năm 1959, vào binh chủng công binh thuộc trung đoàn 249 đóng tại Bắc Ninh, sau đó ông chuyển công tác về Bộ tư lệnh. Hơn 20 năm, trong quân đội, họa sĩ Trần Đốc chủ yếu làm công tác văn hóa nghệ thuật vì có năng khiếu vẽ. Những năm tháng chiến tranh, ông cùng đồng đội đi nhiều chiến trường ác liệt như Ngã 3 Đồng Lộc, Quảng Bình, Quảng Trị. Chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, để góp phần giảm tải sự căng thẳng trên chiến trường, khi trở về đơn vị, họa sĩ Trần Đốc được giao nhiệm vụ mở lớp học vẽ cho bộ đội công binh. "Các họa sĩ lão thành rất ngạc nhiên và trầm trồ vì thấy bộ đội công binh vẽ hồn nhiên và mang phong cách rất mới. Từ đó thành phong trào toàn quân tức là bộ đội vẽ, quân binh chủng vẽ”, ông kể.
Họa sĩ Trần Đốc có thói quen đi đến đâu vẽ đến đó như để giãi bày tâm tư với người xem. Năm 1979, sau chiến dịch biên giới, ông lên thăm bà con nơi này và cảm nhận được tình yêu nước của người dân. Những bức tranh ông vẽ thời kì này cũng nhận được giải thưởng cao. Bởi trong suy nghĩ của người họa sĩ, chiến sĩ Trần Đốc, hình tượng người lính luôn phải sống động và chân thực dù ở hoàn cảnh nào. Với ông, người họa sĩ phải chứng kiến những giây phút cam go trong chiến đấu mới diễn tả chân thực cảm xúc của nhân vật và hoàn cảnh lúc đó. Sau này, khi giải ngũ về trường Đại học Mỹ thuật, họa sĩ Trần Đốc tiếp tục vẽ về người lính công binh. Ông đã đóng góp 4 tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật trong đó có 3 bức tranh vinh dự được treo tại lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Yêu lính và có nhiều tác phẩm về người lính là đặc điểm của các họa sĩ Trần Đốc và Trần Nguyên Hiếu. Điển hình như ba tác phẩm Bộ đội Trường Sa 1,2,3 của họa sĩ Trần Nguyên Hiếu vẽ sau khi ông được ra đảo sống cùng bộ đội Trường Sa hay như tác phẩm Đông Hà 1972 của họa sĩ Trần Đốc miêu tả chân thực và sống động về người lính ở mặt trận Quảng Trị những năm chiến tranh ác liệt. Những năm tháng ấy, các họa sĩ cùng đồng đội đã sống và bảo vệ quê hương với tấm lòng nhiệt huyết và cống hiến sức trẻ./.
Mời quý vị và các bạn nghe bài viết tại đây: