Nỗi sợ kết hôn

Chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính hạn chế, muốn theo đuổi sự nghiệp hay thích tự do... là những lí do khiến nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn. Đặc biệt với thế hệ Gen Z, quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt và cởi mở hơn rất nhiều. Họ dành thời gian để theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn. Bạn Trần Mạnh Cường, 28 tuổi, là kỹ sư tại một công ty ở Hà Nội thừa nhận bản thân chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, ít nhất là trong 5 năm tới.

“Em đi làm tất cả các ngày trong tuần. Thời gian rảnh, em dành để trau dồi kỹ năng để phát triển bản thân cũng như sự nghiệp sau này cho nên thời gian dành cho hẹn họ với em là không có. Với em việc kết hôn nó không chỉ đơn giản là có tình cảm mà nó giống như hợp tác làm ăn, chúng ta nhìn thấy sự phát triển thì mới đi đến ký kết lâu dài được”, Trần Mạnh Cường nêu quan điểm.

Ở tuổi 35, là giám đốc kinh doanh của Công ty truyền thông Hà Nội nhưng Nguyễn Bích Ngọc ở phố Cát Linh, Hà Nội vẫn chưa có ý định kết hôn. Ngọc bảo, ngày nay phụ nữ có nhiều cơ hội thăng tiến nên giờ là lúc Ngọc cần phải cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp chứ không phải dành thời gian cho việc lập gia đình, nội trợ và chăm sóc con cái.

Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, việc hẹn hò yêu đương không còn quá khó khăn. Những ứng dụng hẹn hò xuất hiện làm gia tăng cơ hội kết nối với nhau, tuy nhiên, khoảng cách từ tình yêu đến hôn nhân lại là chặng đường dài và khác biệt. Theo Đỗ Minh Phương ở phố Bạch Đằng, Hà Nội, việc quan trọng nhất là ổn định sự nghiệp rồi sau đó mới tính tới chuyện hôn nhân. Do đó, dù bạn trai cũng nhiều lần đề cập đến chuyện kết hôn nhưng Minh Phương vẫn chưa thực sự sẵn sàng.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ chứng kiến những người thân, bạn bè xung quanh kết hôn sớm rồi cũng nhanh chóng ly hôn khiến họ có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống hôn nhân, gia đình.

Những hệ lụy của việc ngại kết hôn ở giới trẻ

Ngại kết hôn hay kết hôn muộn là thực trạng xã hội không thể thờ ơ vì hiện nay đây dường như đang dần trở thành xu hướng và là vấn đề đáng lo ngại của xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dân số trong tương lai. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình trên cả nước là 27,2 tuổi, riêng ở TP.HCM là 30,4 tuổi (đây là mức tuổi cao kỷ lục tại nước ta từ trước tới nay).

Một trong những chính dẫn đến việc ngại kết hôn đó là sự thay đổi về quan niệm và giá trị sống ở giới trẻ. Nhiều người trẻ trì hoãn việc kết hôn để tập trung phát triển sự nghiệp. Cùng với đó là nỗi lo mất tự do trong hôn nhân, không muốn sống chung với gia đình chồng/vợ với những trách nhiệm sẽ phải gánh vác khi lập gia đình... Tuy nhiên, ngại kết hôn không đồng nghĩa với việc người trẻ lựa chọn cuộc sống một mình. Có không ít bạn vẫn hẹn hò, sống thử hoặc tham gia các ứng dụng tìm kiếm bạn đời để có những cuộc tình chớp nhoáng thay vì tìm một đối tượng để nghiêm túc tìm hiểu, kết hôn, lập gia đình

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, việc ngại kết hôn hay kết hôn muộn sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy như: Về mặt xã hội, việc ngại kết hôn hay kêt hôn muộn gây ra nhiều áp lực cho nguồn lao động trẻ trong tương lai, thiếu trầm trọng nguồn lực lao động kế cận, gây áp lực lên nền kinh tế. Tình trạng dân số già hoá cũng sẽ khiến cho khả năng thích ứng, linh hoạt với nền kinh tế năng động sẽ giảm sút. Nhìn xa hơn, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người già sẽ cao trong khi sự đóng góp nguồn lực của lao động trẻ lại hạn chế.

Bên cạnh đó, việc người dân đã già trong khi con còn quá nhỏ hoặc không có con sẽ gây ra khó khăn cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho người già. Từ đó khiến nhiều người già lẽ ra đến lúc được nghỉ ngơi hoặc giảm cường độ làm việc thì vẫn phải tích cực lao động hoặc dành thời gian để chăm con và nuôi dưỡng con cái. Ngoài ra, nếu phụ nữ sinh con ở tuổi càng lớn thì nguy cơ trẻ sinh ra bị các chứng bệnh bẩm sinh hay tai biến sản khoa sẽ cao hơn.

Về mặt tâm lý, tình trạng ngại kết hôn hay kết hôn muộn sẽ có thể dẫn đến tình trạng cô đơn kéo dài. Nhiều người cũng bị áp lực khi bị so sánh với người khác hay bị giục cưới, khiến cho nhiều mối quan hệ trong gia đình, dòng tộc trở nên căng thẳng.

Trước thực trạng này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Theo đó, các địa phương phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi... Thế nhưng, cho đến nay, những chương trình, hoạt động này không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Theo các chuyên gia, việc khuyến khích kết hôn, sinh con cần được thực hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh xã hội, trong đó cần nhấn mạnh yếu tố tuyên truyền. Cần có nhiều hơn những thông tin hay, hữu ích về gia đình để cho thấy những giá trị nhân văn về đời sống hôn nhân và gia đình, tăng cường các thông tin về các mô hình gia đình điển hình, các tấm gương gia đình trẻ, truyền thống các gia đình… với lối sống đạo đức chuẩn mực để giới trẻ biết, cảm nhận, thẩm thấu và mong muốn hướng đến một gia đình đầy đủ ông bà, cha mẹ, chồng vợ, con cái đủ đầy. Từ đó, giúp thế hệ trẻ thay đổi cách nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình cũng cần được tuyên truyền. Tuy nhiên, cần giảm bớt các thông tin tiêu cực về gia đình như thông tin về ly hôn, bạo lực, bất hiếu để tránh gây hoang mang và rụt rè cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa của hôn nhân. Cùng với đó, có thể tăng cường các chuyên mục trên các báo, đài phát thanh truyền hình, các game show truyền hình giúp gắn kết các thế hệ gia đình… Đặc biệt, việc tuyên truyền cần thực hiện liên tục, kéo dài kết hợp đánh giá từ thực tế dư luận để điều chỉnh cho phù hợp các nội dung.

Có thể nói, mặc dù việc kết hôn là tùy thuộc vào điều kiện và kế hoạch của mỗi cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, giới trẻ cũng cần coi trọng việc kết hôn đúng độ tuổi, bởi đây không chỉ là sự lựa chọn của cá nhân mà còn thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: