Vỉa hè trên phố Láng Hạ rộng hơn 2m, đáng ra sẽ là nơi để mọi người đi bộ một cách thoải mái. Nhưng thực tế lại là nơi lý tưởng để các hàng quán kinh doanh. Vào chiều tối, toàn bộ vỉa hè bị các hàng quán tận dụng để xe, kê bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Thậm chí, các quán còn chia nhau đoạn vỉa hè mà họ trưng dụng.

“Vỉa hè bên này nhà em ngồi thoải mái, còn bên kia lại là của nhà người khác” - nhân viên bán hàng ở một quán bán nước giải khát trên phố Láng Hạ cho biết.

Không riêng ở Láng Hạ, mà ở bất cứ tuyến phố nào ở Hà Nội đều thấy tình cảnh tương tự. Phần lớn các con đường đều biến thành điểm tụ tập để người ta buôn bán, kinh doanh. Chỉ cần chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế cũng trở thành quán ăn, hàng nước, đó là chưa kể những điểm trông giữ xe trái phép để tràn lan… khiến người đi bộ bức xúc vì đi lại khó khăn:

“Vỉa hè thì đã bé rồi mà họ để tràn lan ra đường. Cứ có người là họ cho ngồi thôi, bày hết ghế ra, không còn chỗ đi lại, mình cứ đi qua quán người ta thì ngại, mà đi xuống vỉa hè lòng đường thì sợ. Đứng trước quán thì họ nhắc nhở, bảo đi ra chỗ khác đứng để cho họ làm ăn. Nhìn mặt họ ghê lắm nên cũng không muốn đụng vào, tốt nhất là tránh” - người đi đường chia sẻ.

Đó là chưa kể những nơi đông người như trường học, bệnh viện thì quán cóc mọc lên như nấm, ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè thành nơi buôn bán, chèo kéo khách hàng.

Vỉa hè là công trình công cộng, ngoài việc tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa, còn là phần đường dành riêng cho người đi bộ, người yếu thế… Thế nhưng không gian đó đang ngày càng bị lấn chiếm cho những mục đích khác nhau, chủ yếu là kinh doanh. Cảnh nhếch nhác đó không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ mất trật tự an ninh đối với người dân.

Lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức những đợt ra quân xử lý, ngăn chặn vi phạm, nhưng chỉ ít ngày sau đó, sự việc lại diễn ra như trước, thậm chí có nơi còn phức tạp hơn khi người kinh doanh coi đó như vỉa hè nhà mình, họ ngang nhiên bày bán, đuổi cả người đi đường nếu lỡ đứng trước chỗ bán hàng của mình.

Vấn đề là ai cũng biết rằng kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, còn vỉa hè dành cho người đi bộ. Vì vậy các trường hợp khác cần sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Nếu không, hành vi đó sẽ bị xử lý theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Tùy vào hành vi, mức độ và đối tượng sẽ xử phạt từ 200.000đ đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Lý giải về điều này, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, Luật thì cấm nhưng việc thực thi pháp luật của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tại các địa phương thì dường như lại đang đi "ngược chiều".

“Luật của chúng ta rất rõ ràng và dễ hiểu. Luật thì cấm các hoạt động sử dụng vỉa hè lòng đường vào mục đích phi giao thông, nhưng thành phố lại bỏ tiền ngân sách ra lập đề án để hợp thức hóa những việc làm mà luật đã cấm. Thành phố Hồ Chí Minh cho thuê vỉa hè với nhiều cải tiến như thủ tục thuê online, quản lý trên máy diện tích thuê …Nhưng chưa có báo cáo nào cho biết hiệu quả kinh tế của thử nghiệm này: tiền cho thuê có đủ chi phí đầu tư, bảo trì? Hiệu quả kinh doanh tăng lên kèm theo các khoản thu thuế phí khác, vấn đề trật tự giao thông, mỹ quan đô thị cải thiện thế nào?

Hà Nội thì cũng lập đề án, nhưng giá thuê quá rẻ thì rủi ro mất vỉa hè lòng đường đã rõ. Nguy cơ lớn hơn là triệt tiêu một ngành kinh tế dịch vụ cho đỗ xe có thể mạng lại hàng chục ngàn tỷ/năm: không ai đầu tư chỗ đỗ xe quy chuẩn. Như vậy giải pháp tổ chức lại không gian vỉa hè lòng đường để sử dụng, khai thác hiệu quả hơn là rất cần thiết. Nguyên tắc là thu tiền thật cao thì mới bảo toàn và gia tăng giá trị công sản là vỉa hè lòng đường. Vỉa hè lòng đường là công sản ngày càng đắt đỏ và thiếu hụt. Đầu tư ngân sách cho loại hình công sản này để phát triển kinh tế - xã hội chứ không không thể dùng công sản để làm phúc lợi, giải quyết khó khăn cho các nhu cầu tư lợi dưới bất cứ hình thức nào.

Với cách làm cho thuê vỉa hè hiện nay là chúng ta đang nhập nhèm lẫn lộn ranh giới giữa những việc được làm và không được làm vì Luật pháp đã cấm. Chúng ta cần làm rõ giới định này” .

Cũng theo ông Trần Huy Ánh, công tác điều hành còn lúng túng của chính quyền địa phương hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho những đợt ra quân dọn dẹp vỉa hè, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm chưa đạt hiệu quả. Sau mỗi đợt cao điểm, cán bộ kiểm tra rút đi thì mọi việc lại đâu vào đấy.

“Tôi cho rằng chúng ta cứ quay lại đúng luật, nghĩa là cái gì đã cấm thì không nên có sáng kiến để cải tiến nó hay hợp thức hóa việc đó. Việc xử phạt hành vi vi phạm vỉa hè nên được giám sát bằng camera, như vậy tiết kiệm nhân lực vừa đạt hiệu quả cao” - ông Trần Huy Ánh nhấn mạnh thêm.

Vỉa hè cần được ưu tiên cho mục đích giao thông, bảo đảm diện tích cho người đi bộ. Việc quản lý và giữ cho vỉa hè thông thoáng, văn minh không chỉ phụ thuộc vào ý thức người dân mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền địa phương.