Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề, lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để có chi phí trang trải dịp Tết, một số đối tượng đã thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn để lừa đảo. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” để rồi không chỉ mất tiền và thời gian mà còn chịu gánh nặng về tâm lý.

Với mong muốn tìm công việc làm thêm để tăng thu nhập dịp Tết nguyên đán, anh Nguyễn Văn Tr. đã tìm kiếm thông tin rất trên nhiều trang web đăng tải việc tìm người xuất hiện trên mạng xã hội. Khi truy cập các trang web này, anh Tr. dễ dàng tìm thấy công việc phù hợp với bản thân, để rồi sau đó mới nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

"Họ nói là cái này làm với bên hệ thống lazada thì cũng uy tín, lúc nào rảnh thì có thể làm để kiếm thêm. Mấy nhiệm vụ đầu thì đóng khoảng mấy triệu thì em cũng tự thanh toán được và họ trả hoa hồng rất sòng phẳng, cho đến khi những đơn hàng lớn quá em phải đi vay mọi người vì em sợ nếu mình dừng lại thì sẽ mất hết nên lúc đó tâm lý là cố để cứu vãn được gì thì cứu. Tổng cộng em thanh toán cho bên đấy khoảng hơn 1 tỷ", anh Tr. chia sẻ.

Cũng giống anh Tr. chị Lê Thanh Ng. ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo khi tham gia vào một nhóm chốt đơn bán hàng online. Sau 2 lần đầu được chuyển tiền thật thì đến lần thứ 3 chị đã không thể liên lạc được với shipper nữa, tất cả các tin nhắn giao dịch đều bị chặn và xóa hết.

Theo các chuyên gia, đây là các chiêu thức đối tượng thường dùng để lừa đảo thời gian gần đây. Nguy hiểm hơn kẻ xấu còn lôi kéo ứng viên làm công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp, thậm chí là vi phạm pháp luật. Chưa kể, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành nạn nhân.

Luật sư Phan Kế Hiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu thực tế: Chỉ trong thời gian ngắn các trang web này sẵn sàng bị đánh sập và không còn tài liệu chứng cứ nữa, khi đó các bạn sinh viên không biết tìm chứng cứ ở đâu và không biết đối tượng mình đã bị lừa đang cư trú ở đâu để làm đơn tố giác. Các bạn bị lừa đôi khi chấp nhận rủi ro hoặc không dám lên tiếng, không làm đơn ra công an, ra cơ quan pháp luật để đòi lại quyền lợi cho mình.

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích, điểm chung của những vụ lừa đảo này là dụ dỗ người tham gia với “mồi câu” là không cần trình độ tay nghề, không cần bằng cấp mà vẫn có thu nhập cao khiến nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác để đến khi “đối tác” đột nhiên biến mất, toàn bộ tin nhắn, dữ liệu cũng bị mất sạch, chỉ có những đồng tiền đã chuyển khoản bị mất là thật thì mới vỡ lẽ.

Cũng theo ông Bình, mong muốn làm việc, kiếm tiền là điều hoàn toàn chính đáng. Song, quan trọng là mỗi người cần phải có bản lĩnh và ý thức cảnh giác, giữ cho mình sự tỉnh táo cần thiết trước những thông tin tuyển dụng trên mạng. Cần xác minh ngay người gọi cho mình là ai, vì sao lại có số điện thoại của mình, thông tin doanh nghiệp tuyển dụng ra sao... "Bất cứ công việc gì cũng cần có kỹ năng, kinh nghiệm và các doanh nghiệp thì luôn muốn tìm người lao động đồng hành, mang lại giá trị cho doanh nghiệp tương xứng với những đóng góp của họ. Vì vậy mọi người không nên tin vào những điều viển vông việc nhẹ lương cao".

Thượng tá Phạm Công Hải- Phó Trưởng phòng A03 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo dùng nhiều hình thức lừa đảo rất đa dạng mà cơ quan chức năng không thể cảnh báo hết, cảnh bảo rồi sẽ nảy sinh ra hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn và khó xử lý hơn. "Đối với các thủ đoạn việc nhẹ lương cao thì người dân cần có 1 số lưu ý để phòng tránh. Thứ nhất là tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, thông tin của các đối tượng đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước các lời mời hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng công việc, người dân không nên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân: email, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, ảnh căn cước công dân cho các sàn thương mại điện tử, không đưa lên không gian mạng nói chung, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử có dấu hiệu lừa đảo. Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo như vậy thì người dân nên thu thập các thông tin liên quan và cung cấp cho cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an để có giải pháp điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật".

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình tại đây: