Sáng 26/10, tại Hà Nội, Bộ Công an hai nước Việt Nam - Lào tổ chức Hội nghị song phương cấp bộ trưởng sơ kết một năm thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an 2 nước về hợp tác phòng, chống ma túy.

Hội nghị do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Trung tướng Khamking Phuilamanyvong - Thứ trưởng Bộ Công an Lào - đồng chủ trì.

Theo thông tin công bố tại hội nghị, sau 1 năm triển khai thực hiện bản ghi nhớ, lực lượng công an 2 nước đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Theo đó, công an 2 nước đã phối hợp nắm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy của 2 nước, nhất là trên tuyến biên giới để xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, từ đó xác định được 4 tuyến vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào Lào và đi các địa phương của Lào và Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhận định Việt Nam và Lào đều chịu áp lực lớn bởi nguồn ma túy từ khu vực "tam giác vàng" - một trong những trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn trên thế giới. Hoạt động phạm tội về ma túy ở các khu vực khác trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định, làm cho tình hình tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội ma túy ở cả hai nước những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong công tác đấu tranh chuyên án, lực lượng Công an Việt Nam đã phát hiện, bắt hơn 5.300 vụ, 7.300 nghi phạm, thu giữ 292kg heroin, 1,62 triệu viên ma túy tổng hợp…

"Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của hai nước ngày càng cam go, quyết liệt, đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật hai nước phải phối hợp chặt chẽ, xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này", ông Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, từ sau thời điểm ký bản ghi nhớ đến nay, lực lượng công an hai nước đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo phân công và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Theo thông tin từ Bộ Công an, để hình thành đường dây tội phạm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài, tập kết ma túy tại các địa bàn biên giới hai nước, sau đó thuê người vận chuyển từ các khu vực này vào nội địa để tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ ba.

Quá trình vận chuyển ma túy qua biên giới, các đường dây tội phạm sẽ tổ chức hoạt động thành nhóm khép kín, có quy tắc, quy định riêng, phân công vai trò của từng thành viên và trang bị vũ khí nóng như súng AK, súng bắn tỉa, lựu đạn… sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Thời gian qua lực lượng công an hai nước đã hoàn thành thiết lập "đường dây nóng" ở 4 cấp công an kết hợp trao đổi thông tin qua Văn phòng liên lạc qua biên giới, nhất là thông tin liên quan tới các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia để tổ chức xác minh, đấu tranh, truy bắt.

Tại hội nghị Bộ Công an hai nước yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp đấu tranh, mở các đợt cao điểm chung về tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới. Phối hợp tuần tra, rà soát, triệt phá các tụ điểm về ma tuý, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại khu vực biên giới hai nước.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Khamking Phuilamanyvong, Thứ trưởng Bộ Công an Lào đánh giá cao về viện trợ xây dựng trụ sở công an bản giáp biên giới của Việt Nam dành cho Lào. Theo Trung tướng Khamking Phuilamanyvong, đó là sự giúp đỡ vô giá và mang theo ý nghĩa quan trọng, góp phần vào phòng chống tội phạm xuyên biên giới của 2 nước Lào - Việt Nam; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng - Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam dành cho nhân dân 2 nước đang sinh sống theo tuyến biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Ngọc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như, tuyến biên giới Việt - Lào có địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế; chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của hai nước bị các đối tượng triệt để lợi dụng để phạm tội phạm tuý; công tác điều tra cơ bản, lập chuyên án đấu tranh chung mới chỉ thực hiện bước đầu; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn chậm, chưa đầy đủ, kịp thời.../.