Cách đây 4 năm, hưởng ứng chủ đề Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon do Liên hợp quốc phát động, Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại nhiều diễn đàn hợp tác quốc tế. Đồng thời chúng ta đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa vẫn nhức nhối khiến Chính phủ và các Bộ ngành phải tiếp tục vào cuộc để tìm giải pháp thực hiện. Phát biểu tại Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường hơn.

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam đóng vai trò là nền tảng cho tất cả các bên liên quan có hoạt động về chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa để phối hợp nhằm hỗ trợ chiến lược của chính phủ về phát triển bền vững nền kinh tế biển Việt Nam hướng tới năm 2030. Là một đối tác của Việt Nam trong những năm qua trong việc tư vấn, bảo vệ môi trường, bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình đối tác Toàn cầu về Nhựa rất vui mừng vì thông qua sự hợp tác giữa hai bên góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam nhằm phát triển khai thác các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú của Việt Nam và bảo vệ kế sinh nhai cho người dân Việt Nam. Bà cũng kì vọng những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin và xúc tác cho các sáng kiến đầy tham vọng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Vào tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố các mục tiêu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong không sử dụng nhựa dùng một lần vào năm 2025, bao gồm việc các siêu thị ngừng bán sản phẩm nhựa dùng một lần trong năm nay. Theo đó, Việt Nam sẽ loại bỏ dần nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong hoạt động tái chế. Từ năm 2025, các doanh nghiệp nhập khẩu nhựa phế liệu có thể chỉ được nhập khẩu nhựa phục vụ cho mục đích sản xuất ra sản phẩm nhựa.Tham gia chương trình này còn có doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng thế giới, Tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF…

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những hành động mang tính hệ thống và đột phá nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải thì nước ta sẽ mãi vẫn là quốc gia bị đe dọa bởi rác thải mà thôi./.