Chỉ số phát triển con người là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. Chỉ số phát triển con người giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia.
Theo báo cáo phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2019 là 0,704, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia, vùng lãnh thổ và lần đầu tiên vào nhóm chỉ số cao. Trong giai đoạn 30 năm, từ 1990-2019, Việt Nam ghi nhận Chỉ số phát triển con người tăng gần 46%, thuộc những nước có mức tăng cao nhất thế giới.
Báo cáo của UNDP cũng cho hay, trong 20 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 4,8 năm; chỉ số phát triển giới, Việt Nam nằm trong 1/5 các quốc gia cao nhất; tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp hơn 26%, qua đó giúp Việt Nam vào nhóm quốc gia có chỉ số này cao trên toàn cầu.
Việt Nam đã vào nhóm các quốc gia có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Đặc biệt, mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định, trong đó bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) và hệ số GINI (35,7) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là điều đáng mừng nhất là khi Việt Nam nằm trong số các quốc gia có chỉ số GDP bình quân thấp so với các quốc gia khác được so sánh năm 2019.
Chuyên gia Xã hội học Trịnh Hòa Bình khẳng định: việc Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới là dấu mốc quan trọng, là động lực cần thiết để Việt Nam có thể đạt được những thành tựu cao hơn trong bước đường phát triển.