Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều loại hóa chất như nước lau nhà, thuốc tẩy, nước rửa kính, keo 502...Theo BS Hoàng Văn Cường, khi chẳng may bị những hóa chất này vương vào mắt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng rát, viêm nhiễm, thậm chí dẫn đến mất thị lực nếu như không xử lý kịp thời. Mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ và thời gian tiếp xúc của hoá chất đó với mắt.

“Những hóa chất này thường có màu sắc khá sặc sỡ và trẻ thường hay bị hấp dẫn và thu hút bởi những màu sắc đó. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, trẻ có thể nghịch chơi khiến những hóa chất này bắn vào mắt”.

BS Hoàng Văn Cường chia sẻ câu chuyện của một em bé đã gặp phải sự cố bị cồn nhỏ vào mắt do sự bất cẩn của người mẹ. Đó là một trẻ sơ sinh mới được 10 ngày tuổi. Hàng ngày người mẹ vẫn rửa mắt cho con bằng muối sinh lý và rửa rốn bằng cồn. Tuy nhiên, do lọ cồn to, để thuận tiện, người mẹ đó đã đổ cồn vào một lọ muối sinh lý nhỏ đã sử dụng hết và hậu quả đã xảy ra. Trong một lần tắm rửa cho con, người mẹ đã dùng lọ muối sinh lý có chứa cồn đó để rửa mắt cho bé. Vì ở gần nhà, ngay lập tức, BS Cường đã đến sơ cứu kịp thời, rất may thị lực của em bé không bị ảnh hưởng.

Khi bị hóa chất bắn vào mắt, theo BS Hoàng Văn Cường, có 4 bước để xử lý.

Thứ nhất, rửa mắt ngay lập tức bằng nước sạch hoặc tốt hơn là nước muối sinh lý trong vòng ít nhất từ 10 – 15 phút để loại bỏ hóa chất ra khỏi mắt. Cứ đổ nước, rửa liên tục như vậy.

Thứ hai, dùng vải màn thấm sạch nước rửa mắt đi. Với trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ dụi mắt.

Thứ ba, sau khi đã rửa mắt, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, kiểm tra. Trong trường hợp sau khi rửa mắt xong cảm thấy dễ chịu cũng vẫn phải đến cơ sở y tế, không được chủ quan.

Thứ tư, khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, nhớ mang theo lọ hóa chất để các bác sỹ biết được loại hóa chất bắn vào mắt là loại nào.

“Các loại hóa chất loại phải để xa tầm với của trẻ nhỏ. Ông bà, bố mẹ, cô giáo, người giúp việc cần học các sơ cứu cho bản thân mình và người thân. Hãy liên hệ với bệnh viện, với cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám chuyên sâu”, BS Hoàng Văn Cường khuyến cáo.

"Khi hóa chất bắn vào mắt, nếu tự ý đến cửa hàng thuốc để mua thuốc, đặc biệt là những thuốc có chứa corticoid. Mắt đã bị tổn thương hoặc bỏng kết giác mạc mà lại sử dụng những thuốc có Corticoid thì vô hình chung lại làm các tổn thương đó trầm trọng hơn."

TS. BS Trịnh Thị Bích Ngọc, nguyên Phó GĐ Viện mắt Hà Nội

Nghe tư vấn của BS. Hoàng Văn Cường: