Gần 30 năm qua, chị Phạm Thị Thuận chỉ được đón giao thừa vài lần bên gia đình, còn phần lớn thời điểm giao mùa, chị đều ở ngoài đường, cùng các công nhân khác dọn rác, quét đường, để khi mọi người rảo bước chơi Xuân, đường đã quang, phố đã sạch. “Mỗi dịp lễ Tết, lượng rác thải của người dân tăng rất cao, phục vụ nhiều khi cũng rất mệt mỏi. Công việc tuy nhiều nhưng khi hoàn thành, đường thông hè thoáng mình lại cảm thấy vui”, chị Thuận tâm sự.
Còn với chị em công nhân môi trường của Công ty Urenco 2, cứ đến Tết là nhớ nhà. Đặc thù công việc khiến các chị không thể ở bên gia đình trong những ngày Tết, nhớ con chỉ biết gọi điện thoại. Với họ Tết là những ngày tương đối vất vả. Nhiều chị đã hơn chục năm qua chưa từng về quê ăn Tết cùng gia đình, các chị đều tâm niệm công việc gìn giữ vệ sinh môi trường không có nghỉ Tết. Công việc vất vả, nên đôi khi cũng thèm “cảm giác” được du Xuân cùng gia đình, con cái, nhưng cứ nhìn những đống rác chưa được dọn dẹp là các chị lại “dằn lòng”, cố gắng hoàn thành công việc.
Hy sinh hạnh phúc bản thân để gìn giữ vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp với những người công nhân môi trường thế là ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Nguyện chia sẻ, bữa cơm ngày Tết của công nhân môi trường đơn giản lắm, cùng nhau mang đồ ở nhà đi, đến bữa góp lại cùng nhau ăn, thấy vui vì cùng đồng nghiệp đón Tết.
Sự vất vả trong những ngày Tết của đội ngũ công nhân môi trường đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương từ những người dân. Sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc của các anh, các chị đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Với người công nhân môi trường, Tết có thể đến muộn. Khoảnh khắc giao thừa, năm mới họ có thể không ở bên gia đình, nhưng sau khi hoàn thành công việc gìn giữ vệ sinh môi trường họ lại được về với người thân. Mùa Xuân dẫu có đến muộn nhưng vô cùng trọn vẹn.