Con voi Y Mâm đã quật chết chính người nài voi hàng ngày chăm sóc mình. Đó là đỉnh điểm của cơn giận dữ, sau hàng loạt các vụ voi tấn công con người tại Đắk Lắk trước đó.

Những con voi như Y Mâm đã bị tách ra khỏi rừng núi – nơi vốn là môi trường sống của nó. Nó phải làm việc ngày đêm phục vụ con người. Đã có những con voi chết trong kiệt quệ sức lực và 35 năm qua ở Tây Nguyên chưa có voi con nào ra đời.

Tại Việt Nam, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều voi sinh sống nhất. Nhưng đàn voi hoang dã và voi nhà ở đây đang giảm nhanh cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 1975 - 1978, tỉnh Đắk Lắk có hơn 250 con voi nhà; từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con. Còn đến thời điểm này, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, đàn voi nhà ở đây chỉ còn 35 cá thể. Viễn cảnh voi nhà biến mất trong vòng 30-40 năm tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Y Vinh, 39 tuổi – một người đàn ông M’Nông, ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk – bằng tình yêu với loài voi, đã nỗ lực đưa những con voi trở lại với rừng, trong đó có Y Mâm.

50 tuổi voi Y Mâm mới được trở về rừng – nơi vốn dĩ nó thuộc về. Có lẽ nó sẽ phải mất cả phần đời còn lại để học cách sống hoang dã sau thời gian dài bị tách ra khỏi môi trường tự nhiên. Và Y Vinh nguyện dùng cả đời mình để giúp Y Mâm làm điều đó.