Năm 2022 ngành Giáo dục trở lại trạng thái bình thường mới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, học sinh được trở lại trường thay vì phải học tập trực tuyến. Tuy nhiên đời sống Giáo dục tiếp tục “nóng” với nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, từ việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giá sách giáo khoa, chất lượng luận án tiến sĩ đến việc hơn 16 nghìn giáo viên xin nghỉ việc…

10 sự kiện, vấn đề giáo dục "nóng", dư luận quan tâm trong năm 2022 được VOV2 (Đài TNVN) tổng hợp, phân tích.

(Bấm nghe Chương trình nhìn lại 10 sự kiện Giáo dục-Đào tạo 2022)

1. Năm học bình thường mới

Sau 2 năm khai giảng trực tuyến, học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm học 2022-2023 hơn 23 triệu học sinh cả nước được dự Lễ khai giảng trực tiếp, bình thường mới trong bầu không khí phấn khởi, hân hoan.

Để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Chia sẻ khó khăn với các gia đình có con em trong độ tuổi đi học, năm học 2022-2023 nhiều địa phương trên cả nước thực hiện chính sách miễn, giảm học phí. Ít nhất 6 địa phương trên cả nước quyết định miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông như: Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Bình…

2/ Năm 2022 - mùa bội thu Huy chương của học sinh Việt Nam trên đấu trường Olympic quốc tế

Năm 2022, Bộ GD-ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có 7 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) và 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp trao tặng.

Kết quả của các đoàn Việt Nam tại các kỳ thi Olympic và ISEF năm 2022 tiếp tục khẳng định nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của học sinh. Đây đồng thời là công lao của các trường THPT, sự tận tụy của thầy cô giáo ở các trường THPT chuyên, các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển tham gia thi trực tuyến. Cùng với đó là sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các địa phương, các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể dành cho học sinh, thầy cô.

3. Lịch sử là môn học bắt buộc

Năm học 2022-2023, năm học đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 cấp THPT. Mặc dù trong thiết kế Chương trình, môn Lịch sử ở cấp THPT là môn học lựa chọn nhưng trước thềm năm học mới, dư luận nổ ra cuộc tranh cãi khi Lịch sử không còn là môn học bắt buộc ở cấp THPT.

Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT điều chỉnh số môn học lựa chọn ở cấp THPT còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Riêng môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm. Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm.

4. Hơn 16 nghìn giáo viên bỏ việc trong năm 2022

Năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc trong tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%. Làn sóng giáo viên xin nghỉ việc là một cảnh báo cho ngành giáo dục nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên.

Có nhiều lý do dẫn đến làn sóng giáo viên xin nghỉ việc trong đó lương bổng, thu nhập quá thấp so với công việc được xem là nguyên nhân chính.

Để ổn định đời sống, tâm lý cho đội ngũ nhà giáo, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh. Các nhóm giáo viên còn lại phụ cấp ưu đãi không thay đổi so với hiện hành.

5. “Luận án Tiến sĩ cầu lông” và vấn đề chất lượng đề tài tiến sĩ

Năm 2022, luận án Tiến sĩ: "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của NCS Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành Giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khiến dư luận dậy sóng vì nhiều nhà khoa học cho rằng đề tài không xứng tầm một luận án Tiến sĩ; không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bộ GD-ĐT đã mời 3 chuyên gia độc lập thẩm định luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.

Sau 5 tháng thẩm định, mới đây, Bộ GD-ĐT thông tin kết quả đánh giá luận án tiến sĩ trên không đạt yêu cầu. Trong đó, 2/3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại đề nghị nghiên cứu sinh làm lại và bảo vệ lại.

Không chỉ “Luận án Tiến sĩ cầu lông”, nhiều luận án Tiến sĩ khác được dư luận đánh giá na ná giống nhau, chỉ cần “thay tên, đổi họ” là có thêm một luận án tiến sĩ mới. Đơn cử như năm 2016, Viện Khoa học thể dục thể thao có đề tài "Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM". Đến năm 2017, viện này tiếp tục cho học viên bảo vệ đề tài "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng".

Hiện tượng nhân bản này cho thấy một sự dễ dãi trong nghiên cứu khoa học cần sự vào cuộc kiểm tra, thẩm định để trả lại sự trong sạch của môi trường học thuật.

6. Bùng nổ các kỳ thi đánh giá năng lực

Mùa tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, tỉ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm đáng kể khi các cơ sở giáo dục đại học đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, đặc biệt là bùng nổ các kỳ thi đánh giá năng lực. Đó là các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội; Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học sư phạm Hà Nội; Kỳ thi riêng của nhóm các trường Công an.

Việc bùng nổ các kỳ thi riêng khiến điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng từ 2-3 điểm so với năm 2021. Nhiều nhóm ngành có mức điểm chuẩn lên đến 29,5.

7. Lần đầu tiên đăng ký xét tuyển trực tuyến, trên cùng một hệ thống

Kỳ xét tuyển đại học năm 2022 đánh dấu bước chuyển đổi số quan trọng của ngành Giáo dục-Đào tạo khi thí sinh đăng ký nguyện vọng ở tất cả các phương thức xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và trên cùng một hệ thống. Các sở giáo dục và đào tạo cập nhật kết quả học tập của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành để các trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển theo kết quả học tập.

Theo ghi nhận của Bộ GD-ĐT, năm 2022 có 616.044/ 941.760 thí sinh đăng ký xét tuyển với tổng số gần 3,1 triệu nguyện vọng. Kết quả có 567.018 trúng tuyển đợt 1, đạt tỷ lệ 91,4%.

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung góp phần đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh trong toàn ngành. Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế.

8. Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12

Với chủ đề: "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực Asean và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”, ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD-ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục các nước Asean ghi nhận Không gian giáo dục đại học ASEAN thông qua công bố lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025; ghi nhận vai trò của các đối tác SEAMEO, UNICEF và UNESCO; những tiến bộ thực chất trong việc thực hiện Kế hoạch công tác ASEAN giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học; khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức cũng như gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa, tình huống khẩn cấp trong tương lai.

9. 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam

Năm 2022 ghi dấu mốc quan trọng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập; Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục.

Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 Phó Giáo sư, và 550 Giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho các học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

10. Trường học Hà Nội chi viện giáo viên tiếng Anh cho trường học vùng cao

Theo lộ trình đổi mới, năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đối với các khối lớp 3, 7 và 10. Riêng đối với lớp 3 bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết tiếng Anh/tuần. Tuy nhiên nhiều địa phương như Hà Giang, Yên Bái, Quảng Nam, Phú Thọ, Lai Châu… đều thiếu giáo viên tiếng Anh.

Đặc biệt tại huyện vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), năm học 2022-2023, toàn huyện có 2609 học sinh với 76 lớp 3 nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học.

Trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định tuyển 20 giáo viên tiếng Anh chi viện cho 18 trường tiểu học của huyện Mèo Vạc. Theo đó, tại mỗi trường tiểu học của Mèo Vạc, các giáo viên của trường Marie Curie sẽ phụ trách dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại do các thầy cô huyện Mèo Vạc phụ trách. Tổng kinh phí để giúp dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của huyện Mèo Vạc sẽ khoảng gần 1,5 tỉ đồng cho riêng năm học 2022 - 2023.