Để chuẩn bị cho các kỳ thi, ngoài chuẩn bị tốt kiến thức, các sĩ tử cần biết cân bằng sức khỏe tinh thần, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để làm bài thi hiệu quả. Để áp lực không tác động tiêu cực, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên sĩ tử cần cân bằng giữa 4 trụ cột: Thể chất - Cảm xúc - Xã hội - Nhận thức.

Trụ cột thể chất

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, các em cần đầu tư sức khỏe ngay tại thời điểm này, lịch ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động vận động để có sức khỏe tốt nhất. Giấc ngủ là kẻ gác cổng cho sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy đảm bảo sĩ tử duy trì lịch ngủ đều đặn, phòng ngủ tối, nhiệt độ ổn định (18-24 độ C), cách âm, không điện thoại, không sử dụng chất kích thích 3-5h trước khi đi ngủ...

Duy trì giấc ngủ với thời lượng trung bình phù hợp với lứa tuổi của các em. Với 15-16 tuổi thì giới hạn ngủ 7 tiếng/ngày, ngủ sâu chất lượng.

Trụ cột cảm xúc

Đến thời điểm nào đó nếu không có những hoạt động khác để thế giới tinh thần được nghỉ ngơi, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái quá tải. Vì vậy cần có một số cách cân bằng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, mỗi ngày các em có thể dành 10-15 phút tự lo lắng về những điều có thể xảy ra với mình trong tương lai. Thời gian 10-15 phút lo lắng mỗi ngày sẽ giúp tất cả thời gian còn lại tập trung và ôn tập hiệu quả.

Nếu sĩ tử cảm thấy cảm xúc đi xuống thì có thể nghĩ đến những điều giúp cải thiện tâm trạng như đi dạo, nói chuyện với bạn bè, chăm sóc cây cối, đọc sách hay thử một công thức nấu ăn mới. Tạo không gian nghỉ ngơi. Thời gian bạn dành cho những hoạt động này cũng quan trọng như thời gian bạn dành cho công việc. Tất cả giúp bản thân cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Bạn cũng có thể hạn chế tiếp xúc với những thông tin gây lo lắng như tỷ lệ chọi hay nhiều bạn học sinh căng thẳng, tự tử...

Trụ cột xã hội

Đây là giai đoạn cân bằng sức khỏe tâm thần cũng như yếu tố tâm lý bằng cách duy trì kết nối các mối quan hệ xã hội như học nhóm, chia sẻ với nhau trên các group, mạng xã hội giúp các bạn ôn tập và ghi nhớ hiệu quả. Làm việc với những người bạn yêu thích, giúp đỡ những bạn khác trong quá trình học tập cũng là cách để tự học tập, tự tin đối diện kỳ thi.

"Chúng ta thử nhìn nhận lại, liệu trong 1 ngày có thời điểm nào các em ôn tập hiệu quả thì dành thời gian đấy để ôn tập phần khó nhất. Sự chú ý và cảm xúc cũng lên xuống trong ngày, hãy quan sát thời điểm nào mình có cảm xúc tốt nhất, thời điểm nào trong ngày mình có sự tập trung tốt nhất thì dành thời gian đó cho việc ôn tập. Quản lý thời gian hiệu quả là kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21", PGS.TS Trần Thành Nam tư vấn.

Các kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả bao gồm: liệt kê những công việc cần làm, sắp xếp những việc ưu tiên, học cách nói không với những việc không ưu tiên, lên khung thời gian cho từng công việc, sử dụng sổ nhắc việc cần phải làm, đừng cầu toàn với mọi công việc, nhận ra các thói quen xấu tiêu tốn thời gian của bạn, kỷ luật và tập trung vào công việc của bạn.

Trụ cột nhận thức

Sĩ tử cần biết rằng mọi sự việc đến với chúng ta đều có 2 giác độ tích cực và tiêu cực. “Các bạn ở thời điểm này đối mặt với nhiều bài kiểm tra thử. Chúng ta có thể gặp kết quả không như mong muốn nhưng hãy nhìn với góc độ tích cực rằng mình gặp thất bại trong lần này nhưng đã rút ra bài học và áp dụng được gì trong kỳ thi tới.

Các em tự nhìn nhận lại chúng ta đã thành công ở các bài tập khó, tình huống khó. Đó sẽ là những bài học được rút ra để làm điểm tựa tự tin khi bước vào phòng thi. Nếu gặp vấn đề khó thì hãy nhớ lại chiến lược chúng ta đối diện với những vấn đề khó trong quá khứ và vượt qua như thế nào? Đó là cách thức giúp các em tự tin hơn cho kỳ thi sắp tới.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, đến thời điểm này các bạn học sinh cũng cần có kỹ năng đặt ra ranh giới cho bản thân mình.

Cần đảm bảo có thời gian dành riêng cho bản thân, có thời gian bên gia đình hoặc tận hưởng những việc bạn thích làm, không sử dụng các thiết bị công nghệ trong khoảng thời gian trước khi đi ngủ, trao đổi với người khác để họ hiểu và tôn trọng ranh giới của bạn.

“Chúng ta đã học cả ngày rồi, đến thời gian chuẩn bị đi ngủ mà lại dành thời gian xem mạng xã hội youtube, tiktok thì sẽ mất luôn vài tiếng không ngủ. Vì vậy, các em nên đặt ranh giới sau 10h tối không dùng điện thoại”.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, “các bạn nhớ rằng mình đã định hướng nghề nghiệp, có hình tượng là một người nào đó trong tương lai thì lên kế hoạch tương lai để chinh phục mục tiêu đó, hướng tới kỳ thi bằng sự tự tin, dành thời gian ôn luyện giúp ta có thể cảm thấy an lòng. Hướng tới kỳ thi bằng sự tự tin. Hãy tự nhủ mình luôn tích cực, khi mình gặp vấn đề khó thì mình vẫn đang kiểm soát được vấn đề tốt nhất trong khả năng có thể của mình”.