Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc:

Bãi bỏ chứng chỉ không cần thiết chẳng khác gì gỡ barie cho công chức, viên chức

[VOV2] - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đánh giá, đề xuất bãi bỏ những chứng chỉ không cần thiết sẽ giải phóng lực lượng cán bộ công chức, viên chức khỏi những giấy phép con, những barie vốn rất nặng nề.

Ngày 28/5/2021, Bộ Nội vụ đã Công văn 2499/BNV-CCVC về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Theo đó, sau khi rà soát, đánh giá, Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng bãi bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đánh giá, đề xuất bãi bỏ những chứng chỉ không cần thiết sẽ giải phóng lực lượng cán bộ công chức, viên chức khỏi những giấy phép con, những barie vốn rất nặng nề.

“Chứng chỉ không quyết định năng suất, hiệu quả của nền công vụ. Thậm chí, nó còn làm cho hệ thống công vụ trở nên nặng nề mỗi khi thi tuyển, nâng ngạch, nâng bậc, chuyển hạng của cán bộ công chức, viên chức, làm nảy sinh những tiêu cực xin-cho, chạy chọt, làm giả… Việc xem xét đánh giá lại những tiêu chí, chuẩn mực là một trong những yêu cầu của tiến trình cải cách nền công vụ mới hiện nay.” – ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.

Trước băn khoăn việc không yêu cầu bắt buộc chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ liệu có hạ thấp tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức hay không? Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, bãi bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là không yêu cầu trình độ Tin học, Ngoại ngữ. Bởi khi tham gia thi tuyển vào các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức đã phải trải qua một kỳ kiểm tra về trình độ, kỹ năng. Quá trình đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng, họ cũng đã được trang bị trình độ Tin học, Ngoại ngữ.

“Những yêu cầu trình độ về Tin học, Ngoại ngữ phải là từng ngành nghề, từng lĩnh vực quyết định, có những yêu cầu riêng mang tính đặc thù. Việc đưa ra một yêu cầu chung và áp cho mọi lĩnh vực, ngành nghề, vị trí việc làm là không phù hợp với một nền công vụ hiện đại. Có những cán bộ, công chức công việc hàng ngày của họ không phải sử dụng ngoại ngữ thì mình yêu cầu cao quá sẽ gây nên căng thẳng mỗi kỳ thi tuyển nâng ngạch, nâng bậc, chuyển hạng...” – nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc chia sẻ.

Ông Thang Văn Phúc cũng cho biết, việc không có sự thống nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hay bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trước khi được bổ nhiệm làm cho quá trình làm việc, thăng tiến của cán bộ có những khó khăn, căng thẳng. Việc cắt giảm chứng chỉ, chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cần thiết sẽ giải phóng nguồn lực công theo hướng tích cực.

Liên quan đến năng lực của cán bộ công chức, viên chức để đánh giá thăng bậc, nâng hạng, ông Thang Văn Phúc cho rằng quan trọng nhất vẫn phải căn cứ vào năng lực thực tiễn. Năng lực thực tiễn mới là cái quan trọng để quyết định người cán bộ công chức, viên chức đó có ở đúng vị trí của mình hay không? Và việc nâng cao trình độ phải là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ công chức, viên chức; là yêu cầu thực tiễn của vị trí việc làm chứ không phải là cố gắng hoàn thiện các chứng chỉ "cứng" như cách chúng ta đang làm.

1 triệu giáo viên, 2,5 nghìn tỷ và tấm chứng chỉ nghề nghiệp

[VOV2] - Cớ sao lại bắt giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp? Tấm chứng chỉ để phù hợp với quy định của Luật, là một tờ giấy cần phải có trong hồ sơ giáo viên hay nó phục vụ lợi ích cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng?
image-article
Tag: