Chương trình mới và nỗi lo thiếu giáo viên

Với 50 giáo viên chia cho 3 khối lớp, trường THPT Quảng Hà, thị trấn Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đang phải tính toán, phân bố lại đội ngũ giáo viên để phù hợp với yêu cầu dạy học lớp 10 Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 được triển khai trong năm học 2022-2023.

Ban giám hiệu cũng đã tính toán, cố gắng lường trước những vấn đề sẽ xảy ra nhưng thực ra cũng không thể lường hết được. Giáo viên về hưu nhưng vẫn không được tuyển thêm. Lâu lắm rồi, nhà trường chỉ được hợp đồng nếu thiếu, bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ lo lắng.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, học sinh THPT sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm: nhóm Khoa học tự nhiên, nhóm Khoa học xã hội và nhóm Nghệ thuật và Công nghệ.

Khó khăn với trường THPT Quảng Hà, theo bà Lan, nằm ở nhóm môn Công nghệ, Nghệ thuật khi không có giáo viên nào để tham gia giảng dạy. Ban giám hiệu tính toán tới việc ký hợp đồng nếu nhận thấy học sinh thực sự có nhu cầu theo học nhóm môn học này. “Mình không ép học sinh nhưng cũng sẽ phân tích để phụ huynh hiểu tình hình thực tế của nhà trường. Quan trọng là hài hòa được giữa nhu cầu người học với điều kiện đáp ứng được nhu cầu ấy”, bà Lan cho biết.

Ngay tại Hà Nội, trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm cũng không tránh khỏi nỗi lo thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất cho các môn tự chọn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật. Bà Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm nay hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa thể tổ chức ngay được vì còn phải sửa phòng ốc và tính toán về giáo viên. Những năm sau, mình cũng phải tính phương án nếu học sinh thực sự có nhu cầu thì có thể sử dụng giáo viên hợp đồng.

Thuộc khối trường dân lập, tự chủ hoàn toàn về tài chính, trường liên cấp Marie Curie, Hà Nội sẽ không tổ chức dạy nhóm môn tự chọn Công nghệ, Nghệ thuật. Lý do mà thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường đưa ra là căn cứ vào thực tế tuyển sinh.

“Tỷ lệ học sinh lựa chọn môn tự chọn là Công nghệ, Nghệ thuật sẽ rất ít, khó lòng để tổ chức lớp. Hơn nữa để đào tạo những bộ môn này theo hướng chuyên sâu, định hướng nghề càng khó hơn. Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh”, thầy Khang cho biết.

Hiện một số địa phương đã tìm giải pháp tạm thời. Ví dụ Phú Thọ, theo ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã chủ động trong việc luân chuyển đội ngũ giáo viên ở bậc Tiểu học, THCS đã đủ điều kiện, ví dụ như đã hoàn thiện chương trình bậc đại học và đang nhiều hơn nhu cầu hoàn toàn có thể làm đơn chuyển lên dạy ở THPT. Lực lượng này, theo ông Lập, cũng chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, trong năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới như một “giải pháp tình thế”.

Ông Cao Hồng Châu, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết địa phương này sẽ cho học sinh đăng ký những tổ hợp mà nhà trường có khả năng đáp ứng được. Hà Tĩnh cũng phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh và Trường Cao đẳng Nguyễn Du để đào tạo giáo viên, nhưng trước mắt nhờ giáo viên của các trường này dạy cho học sinh chọn nhóm môn Công nghệ, Nghệ thuật.

Các địa phương có trách nhiệm tuyển giáo viên cho Chương trình mới

Hai bộ môn Mỹ Thuật và Âm nhạc trước đây chỉ dạy ở cấp tiểu học THCS, nay sẽ tiếp tục được dạy ở cấp THPT theo Chương trình 2018. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết Chương trình đã được ban hành từ năm 2018 và các địa phương đã được lưu ý về trách nhiệm tuyển giáo viên.

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ấy đã trực tiếp làm việc với các địa phương quán triệt tinh thần này. Đến lúc này mà không có giáo viên thì học sinh không thể chọn những môn các em có nguyện vọng, nghĩa là địa phương đã làm thiệt học sinh của địa phương mình”, ông Thuyết khẳng định.

Việc các địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế gây khó khăn không ít cho việc tổ chức dạy học. Với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, hầu hết các nhà trường sẽ càng khó khăn hơn khi không có đội ngũ giáo viên cho nhóm môn Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. GS Nguyễn Minh Thuyết nhắc lại rằng Thủ tướng Chính phủ đã nói không thể tinh giản biên chế theo kiểu cào bằng với ngành giáo dục, nhất là khi cả nước lại bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông.

Một số giải pháp tình thế như chuyển giáo viên từ cấp tiểu học, THCS lên dạy THPT hay nhờ giáo viên các trường ĐH, CĐ như một số tỉnh áp dụng theo GS Nguyễn Minh Thuyết hoàn toàn đúng trong điều kiện chưa đáp ứng ngay được lực lượng giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng cao nhất nhu cầu của học sinh. Ví dụ, nhiều em có nhu cầu học Mỹ thuật để theo các ngành Mỹ thuật, Kiến trúc, Xây dựng, Nghệ thuật… trong tương lai. Chương trình mới đã tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đó. Khác với chương trình phân ban cứng trước đây, chương trình này linh hoạt hơn, dành quyền cho học sinh tự quyết nhiều hơn nhưng được dạy những môn nào, xây dựng các tổ hợp môn học như thế nào thì các trường cũng được linh hoạt thực hiện theo điều kiện của mình, ông Thuyết phân tích.

Trước băn khoăn về việc liệu có xảy ra tình trạng sẽ có những lớp sĩ số sẽ vượt trội quá nhiều do nhu cầu học sinh cao và ngược lại có lớp lại quá ít, GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích việc này cũng tương tự tuyển sinh đại học. Các trường đại học Y, Dược lấy điểm thuộc top cao do nhu cầu từ người học rất lớn. Điều này đồng nghĩa là sẽ có những thí sinh không thể lọt vào do chưa đủ điều kiện về điểm số, buộc phải lựa chọn các trường thuộc nhóm khác, phù hợp năng lực hơn. Tương tự, khi một lớp chuyên đề hay một tổ hợp môn học đã tuyển đủ số lượng rồi thì học sinh sẽ phải chọn nguyện vọng hai.

“Trong cuộc sống, ai cũng có nhiều nhu cầu, nguyện vọng. Nhưng việc biến nguyện vọng thành hiện thực còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế.” GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm. Ông Thuyết cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5512/ BGD ĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phương pháp xây dựng kế hoạch giáo dục cũng là nội dung một mô-đun (mô-đun 4) trong chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.