Mai Thị Thanh Thảo, sinh viên năm thứ 3 khoa Tiếng Anh, trường Đại học Mở Hà Nội tham gia bảo hiểm y tế suốt từ những năm còn là học sinh phổ thông. Việc tham gia nghiêm túc một phần từ ý thức cá nhân với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, phần khác có nguyên nhân từ gia đình. Bố Thảo trong một lần tham gia giao thông, không may gặp tai nạn phải vào viện điều trị. Hầu hết các khoản chi phí của bố em đều được bảo hiểm chi trả. Từ thời điểm đó, gia đình Thảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên.

Bản thân Thảo khá may mắn khi chỉ ốm sốt do cảm thông thường và chưa lần nào bạn phải nằm viện hoặc sử dụng các dịch vụ y tế tốn kém. Tuy nhiên, nhìn từ bạn bè buộc phải khám theo diện bảo hiểm y tế, Thảo cho rằng cần đơn giản trong thủ tục cũng như sử dụng công nghệ nhiều hơn, đặc biệt với người trẻ.

Đỗ Thị Thùy Dung, sinh viên năm thứ 3 của nhà trường cũng mua bảo hiểm y tế và sử dụng khá thường xuyên cho những lần phải đến viện khám chữa bệnh. “Em được trường cung cấp đầy đủ thông tin về nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Vì bản thân sử dụng nên em có thể thấy rõ lợi ích của việc chi một khoản nhỏ cho những dịch vụ y tế đắt đỏ”. Dung chia sẻ.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất với cá nhân em cũng như ý kiến từ bạn bè trong việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nằm ở việc lịch khám chữa bệnh rơi vào các ngày bình thường trong tuần. Phải nghỉ học để đi khám sẽ ảnh hưởng tới việc học cũng như đánh giá mức độ chuyên cần với mỗi sinh viên. Dung mong muốn tiến tới, bảo hiểm y tế sẽ có sự phân luồng tốt hơn cho người đi làm, học sinh, sinh viên những thời điểm thích hợp để khám chữa bệnh và cũng góp phần giảm tải lượng bệnh nhân trong giờ hành chính.

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ năm học 2019-2020 đã xây dựng và triển khai App trên thiết bị di động cho người tham gia bảo hiểm y tế. Các cá nhân sử dụng smartphone có thể tải về, điền thông tin và sẽ được cập nhật ngay. Việc sử dụng rất đơn giản, không lo quên hoặc mất như thẻ giấy”. Ông Lương Tuấn Long, Trưởng phòng Công tác HSSV trường Đại học Mở Hà Nội giải đáp việc giải quyết khó khăn khi sử dụng thẻ giấy cho việc khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế. Chỉ có điều, thời điểm triển khai sử dụng app rơi đúng vào 2 năm đại dịch đã ít nhiều tác động với việc tiếp nhận của sinh viên khi các em có rất nhiều phần việc phải quan tâm.

Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên từ khi trở thành bảo hiểm bắt buộc đã hỗ trợ các nhà trường, trong đó có trường Đại học Mở Hà Nội triển khai cũng như đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Với tỉ lệ tham gia gần đạt 100%, những trường hợp còn lại theo ông Tuấn Long đã xảy ra tình trạng sinh viên sử dụng khoản đáng ra để đóng bảo hiểm y tế cho một mục đích khác. Ở đại học không có các kênh để thông báo về gia đình thường xuyên như ở bậc phổ thông, mặt khác các bạn trẻ đã đủ tuổi tự chịu trách nhiệm về bản thân nên chế tài xử lý việc vi phạm luật bảo hiểm y tế chỉ có thể dừng ở mức đánh giá rèn luyện.

Với sinh viên, không nhiều trường hợp ốm đau và phải nằm viện dài ngày. Phần lớn các bạn nhận hỗ trợ của bảo hiểm y tế lại thuộc nhóm tai nạn thương tích như khi va chạm giao thông, chơi thể thao....Và thường những ca nhập viện của sinh viên đều rất nặng và chi phí cao. “Khoản tiền gia đình các em phải bỏ ra cho điều trị rất lớn, hàng trăm triệu. Lẽ ra phần lớn trong số đó đã được bảo hiểm hỗ trợ nhưng vì không thực hiện tốt nghĩa vụ nên hoàn toàn gia đình phải gánh chịu. Chúng tôi rất tiếc cho các trường hợp này”, ông Tuấn Long chia sẻ.

Năm học 2021-2022 mở ra vô cùng đặc biệt với học sinh, sinh viên cả nước khi ở nhiều nơi khai giảng và đều học bằng hình thức trực tuyến. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên hoàn thành các phần nghĩa vụ tài chính, trường Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng tài khoản thanh toán cá nhân cho từng bạn. Việc đóng bảo hiểm y tế cũng thực hiện thông qua tài khoản này. Khi các bạn chuyển khoản, đơn vị trung gian gồm các ngân hàng sẽ chuyển về quỹ bảo hiểm y tế. Toàn bộ thông tin sẽ được hệ thống cập nhật trên app rất thuận tiện và nhanh gọn.