Khi những video nhảm nhỉ núp bóng “KOLs” triệu follow
Video “cầu vía học giỏi” từ búp bê Kumanthong của YouTuber Thơ Nguyễn vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phụ huynh. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, những clip có nội dung nhảm nhí, phi giáo dục bị dư luận “gọi tên”. Trước đó, những nhân vật như Bà Tưng, Khá Bảnh, Ngọc Rambo… hay các giang hồ mạng khác cũng bị tẩy chay. Điều đáng nói, dù sản xuất những nội dung vô bổ, nhảm nhí, song những kênh youtube này lại có lượt follow “khủng”, phần lớn trong số đó là thanh thiếu niên.
Chị Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng, những clip với nội dung nhảm nhí, không lành mạnh và phi giáo dục đầy rẫy trên mạng xã hội, đã trở thành vấn nạn trên môi trường mạng.
Theo chị Nguyễn Phương Linh, những video này đánh trúng tâm lý thích sự màu mè, sôi động của trẻ em. Trong khi đó các em chưa đủ khả năng phân biệt clip có ích hay không có ích, có tính giáo dục hay không, đâu là những thứ bất thường hay bình thường. Các em chưa có tư duy phản biện và chưa phân tích được tốt xấu. Khi xem quá nhiều những video như vậy, có thể các em sẽ xem những chuyện đó là bình thường. Từ đó hình thành tư duy lệch chuẩn, gây hại cho tiến trình phát triển của các em, thậm chí bắt chước.
“Con tôi không xem Thơ Nguyễn nhưng các cháu đều biết tên Thơ Nguyễn vì xung quanh bạn bè của con xem rất nhiều”. Tài khoản Thơ Nguyễn với gần 9 triệu follow nên sức ảnh hưởng rất lớn, tương tự như KOLs nên bất kỳ điều gì bạn ấy nói ra, đăng ở đâu vẫn sẽ có sức ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ, dẫn đến tình trạng bắt chước, ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ. Đã có rất nhiều vụ việc trẻ em bắt chước các video trên mạng gây ảnh hướng đến tính mạng, sức khỏe, đơn cử như tháng 10/2020, bé gái V.T.D (5 tuổi ở TPHCM) được phát hiện tử vong khi dùng chiếc khăn voan buộc vào giường tầng để treo cổ. Nguyên nhân được xác định là bắt chước những thử thách từ youtube.
Bảo vệ con trên môi trường mạng - thách thức với cha mẹ
Nhiều bậc phụ huynh đang gặp “thách thức” khi bảo vệ an toàn trên không gian mạng cho con. Nhiều ông bố bà mẹ đang dùng youtube, các thiết bị công nghệ để trông con, để đỡ phiền một chút. Tuy nhiên, theo chị Phương Linh khi con dưới 6 tuổi rất cần cha mẹ đồng hành, định hướng và các con hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ.
Cha mẹ cần giới hạn thời gian xem các chương trình TV hay Youtube của trẻ, thông thường chỉ nên nửa tiếng/ngày, cùng lắm là 1 tiếng. Trong thời gian này cha mẹ hoàn toàn có thể dành thời gian để xem cùng con. Ở độ tuổi này, con chưa phân biệt được tốt xấu nên cha mẹ phải cài đặt Youtube Kid, cài đặt độ tuổi, cài đặt những chương trình con nên xem, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Tuy nhiên, với trẻ em trên 7 tuổi, việc kiểm soát con xem gì, khi nào trở nên khó kiểm soát hơn, nhất là khi hiện nay lớp 1 đã bắt đầu học trực tuyến. Do đó không có cách nào khác là cha mẹ phải đồng hành và nói chuyện với con.
Ở lứa tuổi này danh mục xem của con không chỉ đặt 1 phía từ cha mẹ vì con đã có nhu cầu học hỏi, tìm hiểu. Do đó, cha mẹ có thể thảo luận clip nào con nên xem, clip nào con không nên xem. Nếu con thấy clip bạn bè con xem mà con cũng thích con có thể trao đổi với cha mẹ để thêm vào danh mục. Đồng thời, giới hạn thời gian trẻ xem clip, cũng như vô hiệu hóa tính năng gợi ý clip trẻ nên xem.
Youtube Kid đã đưa ra những phương pháp để bảo vệ trẻ em, tuy việc để lọt lưới vẫn có nhưng tỉ lệ 1% vẫn là một kênh an toàn. Đối với Tik tok, Facebook cũng đã giới hạn độ tuổi là 13, nghĩa là dưới 13 tuổi không phù hợp với trẻ em. Như vậy, các nền tảng này đã có phương pháp bảo vệ trẻ em dưới 16 tuổi, dưới 18 tuổi. Do đó, theo chị Linh cha mẹ nên tìm hiểu các tính năng của mạng xã hội để đảm bảo việc sử các nền tảng này đúng độ tuổi.
Nhiều cha mẹ nhìn thấy con xem clip nhảm nhí có thể quát nạt, bắt con tắt TV, thiết bị, tịch thu hoặc chuyển kênh nhưng sau đó lại đâu vào đấy vì không thể biết được sau đó con có xem, bắt chước hay suy nghĩ như thế nào. Cho nên không có cách nào khác phải đồng hành và nói chuyện với con hằng ngày. Đây là giải pháp lâu bền nhất để tăng khả năng đề kháng của con trước những video xấu độc.
Chị Phương Linh cho rằng, cha mẹ nên cùng con phân tích, tìm hiểu những rủi ro có thể xảy ra trên môi trường mạng, giúp con có tư duy phản biện. “Hỏi han con hằng ngày, xem con có cảm xúc, phân tích gì về những chương trình trên môi trường mạng. Nếu con có băn khoăn thì con chia sẻ với bố mẹ và bố mẹ là những kênh đầu tiên để con hỏi chứ không phải kênh nào khác”.
Cha mẹ cũng có thể đặt ra những tình huống nếu con gặp clip này thì con phản ứng như thế nào, rời đi, chặn, báo cáo hoặc có hành động nào. “Khó có thể nào tránh được tránh 100% con không xem clip độc hại vì trên môi trường mạng có rất nhiều tài khoản câu view, câu like và đôi khi để phạm tội”, chị Linh khẳng định.
Xây dựng “hệ sinh thái” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Giai đoạn 2021-2025 Việt Nam có Chương trình quốc gia liên quan bảo vệ thúc đẩy trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo do Bộ thông tin và truyền thông chủ trì. Tham gia vào tiến trình tư vấn cho đề án này, chị Phương Linh cho rằng giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ dừng lại ở việc Bộ Thông tin truyền thông yêu cầu các nhà mạng gỡ, chặn các video vì “sự đã rồi”. Cái chính là truyền thông, giáo dục, phòng ngừa cho tất cả các bên liên quan.
Chẳng hạn, liên quan tới giáo dục, trẻ em phải được học trong nhà trường, đó là bộ môn kỹ năng số. Trẻ em phải có kiến thức về kỹ thuật bảo vệ bản thân, bảo mật thông tin, có những cài đặt phù hợp thiết bị công nghệ, biết cách xử lý khi xảy ra vấn đề cũng như có tư duy phản biện, biết báo cáo ở đâu, ví dụ gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, trẻ em biết tìm kiếm hỗ trợ cha mẹ, thầy cô. Như vậy không chỉ có trẻ em, cha mẹ, thầy cô mà cộng đồng xung quanh cũng có kiến thức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ví cha mẹ là công nghệ 0.4 nhưng trẻ em bây giờ là 4.0 nên thay vì kiểm soát cha mẹ và thầy cô cần biết cách để đồng hành với trẻ.
Chúng ta cũng cần quan tâm đến những chế tài đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để họ xây dựng những quy tắc cộng đồng và tuân thủ quy tắc cộng đồng để bảo vệ người dùng. Nói cách khác, họ là người tạo ra nền tảng thì phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ của mình. Họ cũng có trách nhiệm truyền thông, đưa chương trình tích cực. Hiện giờ chương trình của chúng ta đang chạy theo câu view, câu like nhiều quá nên cũng cần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chương trình, những nhà sáng tạo nội dung cách thức, phương pháp truyền tải nội dung vẫn có tính giải trí nhưng phải có những thông điệp tích cực.
Mặt khác, vấn đề xử lý tội phạm mạng cũng cần được hoàn thiện, có giải pháp kỹ thuật đồng bộ. Đó là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối và hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái, kết nối của các bên liên quan để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.