Chuẩn bị kỹ lưỡng là bước đầu tiên để đảm bảo an toàn
Trong số những nghề nghiệp đối mặt trực tiếp với nguy cơ mất an toàn lao động, hàn là một trong những công việc đặc thù với mức độ rủi ro cao. Từ những tia hồ quang nhiệt độ cực cao, khói độc, ánh sáng có hại cho mắt, cho tới nguy cơ cháy nổ và điện giật, người thợ hàn hàng ngày phải bước vào “vùng nguy hiểm” mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Nhưng với ông Nguyễn Đức Thiện - người thợ hàn kỳ cựu với gần 50 năm gắn bó với nghề - chìa khóa để sống sót và làm nghề lâu dài nằm ở hai chữ “ý thức”.
“Nếu không tôn trọng an toàn, người thợ hàn sẽ thất bại, và đôi khi là thất bại cay đắng bằng cả mạng sống của mình,” ông Thiện chia sẻ.
Theo ông Thiện, công tác chuẩn bị trước mỗi ca hàn là điều sống còn. Việc kiểm tra máy móc, đánh giá môi trường làm việc, phát hiện mùi gas bất thường hay dọn dẹp các vật dễ cháy như xốp, giấy, vải… là bước không thể bỏ qua. “Nếu thấy có mùi gas, phải dừng lại ngay, không được hàn. Vì chỉ một tia lửa cũng có thể biến mình thành người gây họa.”
Chính sự cẩn trọng này đã giúp ông Thiện suốt hàng chục năm làm nghề chưa từng để xảy ra vụ tai nạn cháy nổ nào. Ông nhấn mạnh, nhiều người hiện nay chủ quan, muốn “làm nhanh cho xong”, xem nhẹ quy trình kiểm tra an toàn. Nhưng trong nghề hàn, không có chỗ cho sự cẩu thả. Mỗi mối hàn là một lần chịu trách nhiệm cho cả công trình và tính mạng con người.
Không dừng lại ở phòng chống cháy nổ, người thợ hàn còn phải đối mặt với những tổn thương trực tiếp đến cơ thể. Tia hồ quang có cường độ sáng cực lớn có thể gây bỏng giác mạc, các bệnh liên quan đến phổi do hít phải khói kim loại, hay tổn thương da nếu không có trang bị bảo hộ phù hợp. Vì vậy, đồ bảo hộ lao động trở thành “lá chắn” mà người thợ bắt buộc phải đầu tư nghiêm túc.

Ba nguy cơ lớn của thợ hàn - Góc nhìn từ chuyên gia ngành điện
Theo chuyên gia Trần Văn Thịnh, nguyên giảng viên Khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, thợ hàn đang đối diện ít nhất ba nguy cơ lớn:
- Nhiệt độ ngọn lửa cực cao: tâm ngọn lửa hàn là 5000 độ. Xung quanh vùng hàn là 2000 - 3000 độ, xỉ hàn rơi xuống cũng hàng nghìn độ, vì vậy rất dễ bắt cháy.
- Nguy cơ điện giật do điện áp cao (60 -70V khi chưa chập mối hàn).
- Thiết bị quá tải: máy hàn vận hành liên tục có thể phát nổ.
“Chính vì vậy, cần dừng máy sau mỗi khoảng thời gian làm việc để thiết bị nghỉ ngơi, tránh quá tải,” ông Trần Văn Thịnh khuyến cáo.
Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến tai nạn là do người thợ hàn không dọn dẹp vật dễ cháy xung quanh. Những mảnh xỉ hàn dù chỉ nhỏ như hạt ngô cũng mang nhiệt độ hàng nghìn độ C, có thể bén lửa và dẫn tới cháy lớn. “Cháy một cửa sắt trong chợ có thể thành cháy cả chợ,” ông Thịnh cảnh báo.
Trang bị bảo hộ đúng chuẩn - “lá chắn” bảo vệ tính mạng
Đối với thợ hàn, việc lựa chọn và sử dụng đúng thiết bị bảo hộ là yếu tố rất quan trọng.
- Quần áo bảo hộ thợ hàn: Phải được làm từ những chất liệu chống cháy, có khả năng chịu nhiệt độ cao, không bắt lửa. Nên chọn những bộ quần áo có trọng lượng nhẹ để khi sử dụng, người lao động cảm thấy thoải mái và linh hoạt hơn.
- Mặt nạ hàn: Đây là vật dụng không thể thiếu đối với công nhân hàn để tránh ảnh hưởng của tia cực tím, tia hồng ngoại lên mắt, vùng da mặt, cũng như tránh khói xì hàn nóng chảy.
- Găng tay bảo hộ cho thợ hàn: Găng tay hàn cần được làm từ chất liệu có khả năng chống cháy. Cần lựa chọn những đôi găng tay vừa vặn với đôi tay của người lao động để tạo sự thoải mái, linh hoạt và độ chính xác cao trong công việc.
- Giày bảo hộ cho thợ hàn: Người thợ nên lựa chọn một đôi giày bảo hộ cao cổ để tránh những mảnh vỡ vụn hay mảnh xỉ hàn có thể văng vào chân. Giày bảo hộ cho thợ hàn cũng phải được làm từ chất liệu cao cấp để gia tăng khả năng bảo vệ. Nên chọn những đôi giày rộng hơn một chút so với chân để có cảm giác thoải mái khi sử dụng.