Bộ sách mới Cánh Diều - sản phẩm của sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa nằm trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, với mục tiêu tiệm cận, hội nhập nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến lại thật “khó nhằn" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự thiếu logic, non kém trong biên soạn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 thực sự khiến dư luận bức xúc khi so sánh với những bộ sách giáo khoa trước đó, giúp học sinh dễ nhớ, dễ thuộc…

Viết sách giáo khoa là việc vô cùng khó, đòi hỏi người biên soạn không chỉ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là vốn sống, chiều sâu văn hóa, tâm lý lứa tuổi và quan trọng hơn cả là trách nhiệm với người học.

Một hội đồng biên soạn toàn những nhà khoa học, nhà giáo, nhà nghiên cứu có tên tuổi, được đào tạo bài bản, vì sao lại cho ra đời một bộ sách nhiều “sạn" đến vậy? Trách nhiệm của người biên soạn, của hội đồng thẩm định ở đâu để cuốn sách vừa được đưa vào giảng dạy đã gây bão lớn?

Đành rằng khó có thể cầu toàn, nhưng khi đã phát hiện sai sót, khi từ người làm chuyên môn đến phụ huynh, học sinh, cộng đồng xã hội đều thấy không ổn thì ban soạn thảo phải nghiêm túc xem lại và có phương án sửa sai cho thấu tình, đạt lý.

Biết sai để sửa và phải sửa, nhất là đối với sự nghiệp trồng người. Không chỉ riêng sách giáo khoa lớp 1 mà rõ ràng, cần cẩn trọng hơn, có trách nhiệm hơn đối với việc biên soạn, chỉnh sửa những bộ sách giáo khoa các cấp học tiếp theo vì đổi mới là để kết quả giáo dục tốt lên, để nhờ đó, có thể thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, để đất nước có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ mong mỏi.

Vì lợi ích trăm năm trồng người - sứ mệnh ấy, người làm sách giáo khoa đâu có thể xem nhẹ!