Y tế cơ sở - điểm tựa gần gũi về sức khỏe cho nhân dân
Với hơn 11 nghìn trạm y tế và hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân. Tại những vùng nông thôn, miền núi, hay các vùng biển đảo xa xôi…đội ngũ cán bộ nhân viên tuyến y tế cơ sở tại các trạm y tế xã thực sự là những “điểm tựa” về mặt sức khỏe cho người dân.
Mới đầu giờ sáng, Trạm y tế xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã đón tiếp nhiều ông bố, bà mẹ đưa con tới khám bệnh. Với những người dân như anh Lê Lồng Chính, từ lâu trạm y tế là địa chỉ tin cậy khi không may đau ốm. “Con em bị sốt từ hôm qua. Ở nhà không biết cho uống thuốc gì nên đưa về đây, bác sĩ biết bệnh tật gì thì cho thuốc uống” – Anh Chính nói.
Mặc dù trang thiết bị còn sơ sài nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã Mường Toong vẫn cố gắng đảm nhiệm công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Y sĩ Vàng Thị Loan – người đã có hơn chục năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Mường Toong cho biết, nếu như ở miền xuôi, người dân chủ động tìm đến các dịch vụ y tế thì ở những vùng cao đặc biệt khó khăn như huyện Mường Nhé thì ngược lại. Để đạt được chỉ tiêu của các chương trình y tế, hàng tháng mỗi cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã Mường Toong đều phải lặn lội đến từng bản để tiêm chủng và vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ về y tế dự phòng và khám chữa các bệnh lý thông thường, hiện nay, các trạm y tế còn đảm nhiệm công tác phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay có 85% số trạm y tế tuyến xã triển khai quản lý điều trị một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường… giúp người bệnh được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tháng ngay gần nhà mà không phải đi xa.
Ông Nguyễn Văn Phòng ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, ông được phát hiện mắc tăng huyết áp từ năm 2017. Từ đó đến nay, ông được theo dõi và điều trị bệnh ngay tại trạm y tế xã, rất thuận tiện, mỗi lần đi khám không phải chờ đợi lâu.
Hiện nay, trạm y tế xã La Hiên đang quản lý 320 bệnh nhân tăng huyết áp. Trung bình mỗi ngày trạm đón tiếp khoảng 30 đến 40 lượt người đến khám và điều trị. Bác sĩ Lý Văn Viên cho biết, các y bác sĩ luôn cố gắng phục vụ một cách tốt nhất, đảm bảo đủ thuốc men theo danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế để cấp phát cho bệnh nhân.
Hướng tới mục tiêu đưa các dịch vụ y tế về gần dân, không chỉ các trạm y tế có sự thay đổi về diện mạo và chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến huyện cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vươn lên làm chủ những kỹ thuật chuyên sâu, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng.
Trung bình mỗi ngày Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện ĐK thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận từ 30-40 trường hợp cấp cứu, một nửa trong số đó là bệnh nhân nặng cần can thiệp chuyên sâu.
Theo BS Đặng Diên – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV ĐK thị xã Kỳ Anh, với đặc thù cách xa trung tâm tỉnh 50km, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, thời gian qua, bệnh viện đã cố gắng triển khai nhiều kỹ thuật cao, cứu sống được nhiều người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã hợp tác với rất nhiều bệnh viện tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
“Chúng tôi đã triển khai thường quy kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu não, thở máy, mở nội khí quản trong trường hợp cấp cứu, tán sỏi bằng lase, đóng đinh nội tủy xương đùi, lọc máu chu kỳ… Trước đây, chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mới thực hiện được những kỹ thuật này nhưng giờ chúng tôi đã làm được, giúp kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh, tránh phải chuyển tuyến.”- BS Đặng Diên cho biết.
Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạch, thu hẹp khoảng cách bệnh tật và lấy bệnh nhân làm trung tâm cũng là những mục tiêu mà Bệnh viện ĐK huyện Mê Linh, Hà Nội hướng tới. Từ nhu cầu thực tế của người bệnh về chạy thận nhân tạo ngày càng gia tăng, ban lãnh đạo bệnh viện đã quyết tâm xây dựng và thành lập Khoa Thận nhân tạo với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Thận Hà Nội. Nhờ đó, rất nhiều bệnh nhân đã không phải đi lên tuyến trên điều trị.
Theo BS Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, trước đây khi chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu chu kỳ, mỗi năm bệnh viện phải chuyển tuyến cho khoảng 130 bệnh nhân bị suy thận lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, với 10 máy chạy thận nhân tạo, bệnh viện đang quản lý và điều trị 50 bệnh nhân. Mặc dù chưa thu dung được hết số bệnh nhân cần chạy thận trên địa bàn huyện song đây cũng là một bước tiến đáng kể trong việc đưa các dịch vụ y tế về gần dân để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng.
Không chỉ điều trị cho các bệnh nhân bị suy thận mạn, việc thành lập Khoa Thận nhân tạo còn giúp những trường hợp bị suy thận cấp do các bệnh lý như viêm phổi, tim mạch… được điều trị ngay tại bệnh viện huyện mà không phải chuyển tuyến. Thời gian tới, bệnh viện ĐK huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đầu tư, tiến tới thành lập Trung tâm Lọc máu, tăng số lượng máy chạy thận lên khoảng 30 máy. Đồng thời bệnh viện sẽ triển khai một số kỹ thuật đảm bảo việc điều trị như kỹ thuật lọc màng bụng; lọc máu hấp phụ; quản lý bệnh nhân sau ghép thận… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn.
Cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở
Thống kê của ngành y tế cho thấy, số lượng người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại mạng lưới y tế cơ sở bao gồm bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2012, tổng số khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở tăng là 86 triệu lượt người thì năm 2022, con số này lên tới 113 triệu lượt; duy trì mức trên 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả hệ thống y tế. Điều đó chứng tỏ người bệnh đã đặt niềm tin rất lớn vào y tế cơ sở và quan tâm sự đầu tư cho hệ thống này của Đảng, Chính phủ đã mang lại những hiệu quả tích cực. Là người từng trực tiếp giám sát hoạt động của tuyến y tế cơ sở, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá việc phát triển y tế cơ sở góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Ủy ban chúng tôi và cá nhân tôi đi rất nhiều đến các cơ sở y tế và thường xuyên nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị góp phần cho quá trình phát triển y tế cơ sở để đạt được những thành tựu hết sức là quan trọng. … Nếu chúng ta làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở thì chính là tạo cơ hội cho người dân không phải tràn lên tuyến trên để mà đi khám, chữa bệnh, giảm tải được cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và quan trọng nhất là tiết kiệm được, kể cả sức lực, kinh phí cho người dân…” – Ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tuyến y tế cơ sở tại nhiều địa phương hiện cũng đang gặp những khó khăn, thách thức. Đó là thiếu thốn về nhân lực và hạn chế về trình độ chuyên môn, xuống cấp về cơ sở vật chất và thiếu trang thiết bị y tế, chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế chưa thỏa đáng. Đồng thời, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở chưa hoàn thiện, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Có địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức việc củng cố, tăng cường năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh. Những bất cập này đòi hỏi phải có sự đầu tư và những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn. Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất: Tăng nguồn lực cho đầu tư y tế thì đầu tiên là phải quan tâm cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
“Theo tôi, chúng ta phải quan tâm để đầu tư cho y tế tuyến xã và cũng không đồng đều tất cả các xã, phường, mà đầu tư cho những nơi cần thiết. Còn những xã, phường, thị trấn gần với bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc tại các thành phố lớn thì chỉ đầu tư để chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khỏe nhân dân thôi. Thứ hai là chúng tôi đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu quy hoạch các bệnh viện theo vùng để giảm bớt đầu tư nhưng nâng cao chất lượng. Và chúng ta phải đầu tư thiết bị kỹ thuật, phương tiện và điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt nhất. Từ đó mới là đánh giá được hiệu quả của đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở.” – Ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.
Để tạo bước đột phá, phát huy được vai trò của hệ thống y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, tháng 10/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Chỉ thị xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với công tác y tế cơ sở; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách. Đặc biệt, Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp mới cần thực hiện, đó là kiện toàn mô hình tổ chức, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với y tế cơ sở; tăng đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật… Chỉ thị sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho y tế cơ sở phát huy được vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.