Hai giọng opera trẻ Hà My (soprano) và Đức Tùng (tenor) vừa tổ chức đêm nhạc chung mang tên Insieme, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà soạn nhạc opera lừng danh người Ý Giacomo Puccini (29/11/1924 - 29/11/2024). Đây là một hoạt động ý nghĩa tôn vinh và tưởng nhớ nhà soạn nhạc tài năng, người được xưng tụng là "King of Verismo opera" (Vua của opera Verismo).

Chương trình giới thiệu nhiều trích đoạn opera của nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại - Giacomo Puccini (1858-1924) như: La Bohème, Madama Butterfly, Turandot…. Trong đó, trích đoạn In questa reggia (Tại nơi cung điện này) được xem là thách thức lớn đối với bất kỳ nghệ sĩ opera nào.

Đêm nhạc còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: Công Minh (piano), Lưu Đức Anh (piano), Trường Linh (tenor), Ngọc Linh (mezzo-soprano), Xuân Bách (violin), Quỳnh Chi (cello), Hợp xướng Camerata và Hợp xướng thiếu nhi Angeli.

Cái tên “Insieme” (trong tiếng Ý có nghĩa là cùng nhau) được lấy cảm hứng từ câu hát kết "Viva la morte insiem!" (Muôn năm cái chết bên nhau!) trích từ bản duet "La nostra morte" trong "Andrea Chénier". Đó là tiếng hô phấn khích và đầy ngạo nghễ của một cặp tình nhân trước khi bước lên máy chém trong bối cảnh cuộc thanh trừng sau Cách mạng Tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII - một cảnh diễn tráng lệ và đầy tính biểu tượng trong tác phẩm opera Verismo nổi tiếng của Umberto Giordano.

Nhưng "Insieme" không hẳn là một recital - "buổi hòa nhạc độc tấu" theo nghĩa thông thường - là lãnh địa nơi những nghệ sỹ solo chia sẻ những cảm xúc nghệ thuật mang tính cá nhân. "Insieme" là một sản phẩm nghệ thuật tập thể của những người bạn - những nghệ sỹ cổ điển trẻ, đam mê, giàu nhiệt huyết, muốn được "cùng nhau" đắm mình trong âm nhạc để mang đến cho khán giả những giây phút trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt.

"Insieme" là ấp ủ từ lâu của Hà My (soprano) và Đức Tùng (tenor). Hà My đã tốt nghiệp Thủ khoa khoa Thanh nhạc hệ Đại học với điểm tuyệt đối tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hiện đang theo học Cao học Thanh nhạc biểu diễn dưới sự hướng dẫn của TS. NSND Quốc Hưng. Hà My cũng từng tham gia các lớp masterclass dưới sự hướng dẫn của một số giáo sư quốc tế tên tuổi như Galina Kiseleva, Paolo Andreoli. Với giọng hát giàu nội lực và được nhiều chuyên gia trong nghề đánh giá là rất quý hiếm, Hà My đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trong và ngoài nước bao gồm: Giải nhất bảng B, Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch toàn quốc năm 2023; Giải nhì cuộc thi âm nhạc Quốc tế Royal Mass năm 2023; Huy chương vàng Kyushu Music Competition, Nhật Bản năm 2022.

Lựa chọn những trích đoạn khó, Hà My chia sẻ: "Trong tất cả các tác phẩm đều có những cao trào rất mãnh liệt, thậm chí nhiều khi không hát nữa mà hét lên để thể hiện cảm xúc của mình. Verismo khác hẳn những khúc tự tình ý nhị của Mozart hay các giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn khác. Ở trường phái này, người nghệ sĩ có thể tự do bộc lộ cảm xúc. Tôi thấy giọng của mình hợp nhất với trường phái Verismo".

Đức Tùng (tenor) là một nghệ sỹ biểu diễn cổ điển đầy nhiệt huyết với nhiều chương trình hòa nhạc hướng đến cộng đồng, đồng thời cũng từng xuất hiện dưới tư cách là nghệ sỹ solo trong một số chương trình âm nhạc lớn tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm, Phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam…. Anh học Thanh nhạc chính quy tại Nhạc viện Tp.HCM. Năm 2024, Đức Tùng tốt nghiệp Cao học Thanh nhạc biểu diễn với điểm tuyệt đối tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của TS. NSƯT. Tân Nhàn.

Với concert lần này, hai nghệ sĩ trẻ và ê kip mong muốn làm đúng chuẩn mẫu mực của cổ điển. "Nhạc cổ điển không phải là một cái khó tiếp cận, mà cái chính là làm thế nào để tiếp cận và phải cung cấp cho khán giả, cho người thưởng thức để họ có thể vượt qua được những cách biệt về mặt văn hóa hoặc ngoại ngữ mà có thể cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc. Ở Việt Nam, thị trường âm nhạc cổ điển chưa nhiều, người nghệ sĩ cũng rất khó khăn, nhưng thời gian gần đây, tôi thấy cổ điển được chú trọng nhiều hơn. Nhiều concert âm nhạc cổ điện được tổ chức, mời rất nhiều các đoàn, nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài về. Tôi thấy rất vui, và tin tưởng, với những tín hiệu đó, âm nhạc cổ điển trong thời gian tới sẽ có lượng khán giả tốt hơn, giúp nghệ sĩ hoạt động nghề tốt hơn"- nghệ sĩ Đức Tùng chia sẻ.

Với phụ đề tiếng Việt trình chiếu phông nền bằng máy chiếu 3D mapping cho từng trích đoạn, recital "Insieme" (Cùng nhau) các nghệ sĩ trẻ đã không chỉ cùng nhau nhau biểu diễn, cùng nhau truyền đi bức thông điệp nhân văn mà còn khiến khán giả cùng nhau hiểu thêm về những giá trị sâu sắc của opera cổ điển. Mỗi khán giả đến với khán phòng của "Insieme" đều thu nhận được những cảm xúc đặc biệt của riêng mình.

Tất cả mọi nỗ lực được thực hiện để tăng thêm nhiều trải nghiệm thưởng thức cho khán giả, giúp khán giả dễ cảm nhận các tác phẩm opera cổ điển hơn dù đó có thể là những tác phẩm họ chưa nghe bao giờ. Mỗi khán giả dù rất am tường về opera hay lần đầu tiên đến với một buổi hòa nhạc cổ điển cũng đều có thể tìm thấy sự thú vị, hay những nét hấp dẫn độc đáo riêng mà vẫn giữ đúng tinh thần nghiêm cẩn của một buổi recital âm nhạc cổ điển. Và điều hơn hết, mong mỏi lớn nhất của các nghệ sĩ và những người tổ chức chương trình "Insieme" là bằng những việc làm của mình để hiện thực hóa khát khao cháy bỏng là đưa âm nhạc opera cổ điển tới gần hơn với công chúng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.