Trường đại học dè dặt việc mở cửa trở lại
Mong muốn đón sinh viên trở lại học trực tiếp trong tháng 11, trường Đại học Giao thông Vận tải đã tổ chức phun khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện phòng dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn…Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, trong theo khi tỉ lệ sinh viên được tiêm vaccine còn thấp, mới có khoảng 1000 sinh viên của trường đã được tiêm (chưa đến 10%) khiến nhà trường chưa thể đưa ra quyết định chính thức.
Mặc dù, Hà Nội cũng đã đưa ra 16 tiêu chí đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học nhưng PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng đó mới chỉ là điều kiện cần. “Nếu trường hợp xuất hiện 1-2 ca F0 thì sẽ phải xử lý thế nào? Chắc phải cho tất cả sinh viên nghỉ học”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương băn khoăn.
Với 3 cơ sở đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh, Trường Đại học Ngoại Thương đang chờ thêm hướng dẫn của các địa phương. Theo TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo, tỷ lệ sinh viên được tiêm vaccine ở trường hiện chỉ đạt 10%.
"Kinh nghiệm mở cửa trường học của các nước trên thế giới đã có nhưng vẫn cần những hướng dẫn cụ thể để các trường có đủ tự tin xử lý các tình huống phát sinh khi xuất hiện F0 trong trường học. Đồng loạt mở cửa lại trường không thể tránh khỏi xuất hiện trường hợp F0. Nếu có F0 thì khoanh vùng hẹp thế nào để không ảnh hưởng đến bình diện rộng hơn?”, bà Hiền đề xuất.
Trường Đại học Ngoại thương lên phương án gần nhất cho sinh viên trở lại học trực tiếp vào tháng 11 nhưng bà Hiền cho rằng, mở cửa trường học giai đoạn này chưa thể thực hiện đồng loạt. Mỗi cơ sở giáo dục nên có những bước đi thận trọng làm cho hệ thống quen với khả năng xử lý tình huống để dần thích nghi với COVID-19. Từ đó mới cho sinh viên đi học tập trung trên diện rộng.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trường chưa có kế hoạch đón sinh viên trở lại học trực tiếp. Với đặc thù bậc đại học, sinh viên từ nhiều địa phương khác nhau trở lại Hà Nội thời điểm này là bài toán khó. Ông Xuân Anh cho rằng các trường đại học sẽ phải mở cửa sau các trường phổ thông 1 nhịp.
Chưa có hướng dẫn “đóng cửa” trường học
Tương tự Trường ĐH Xây dựng, ĐH FPT cũng chưa có kế hoạch mở cửa. TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho biết, có nhiều yếu tố khiến nhà trường chưa thể đón sinh viên ở thời điểm hiện tại.
Đầu tiên là KTX của trường đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Thứ 2, tỉ lệ sinh viên đã được tiêm vaccine còn thấp. Việc trở lại thành phố của sinh viên ở nhiều địa phương khác nhau còn khó khăn. Bởi, dịch COVID-19 ở một số địa phương đang bùng phát trở lại đòi hỏi những yêu cầu đi lại khắt khe. Vậy di chuyển từ vùng này sang vùng kia sang có xét nghiệm hay không, sinh viên từ tỉnh nọ sang tỉnh kia cần tuân thủ quy tắc nào? Cần có chỉ đạo thống nhất.
Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa phải là nguyên nhân chính khiến các trường ĐH ngại mở cửa. Quan trọng nhất là cần có hướng dẫn cụ thể nếu đi học trực tiếp có 1 em F0 thì cách thức xử lý sẽ thế nào, có phải đóng cửa trường toàn bộ hay không, các em tiếp xúc có phải đi cách ly hay không? Tất cả những điều đó chưa có quy định chi tiết, ông Tùng phân tích.
Nhiều quốc gia trên thế giới khi mở cửa trường học chấp nhận học song song cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến căn cứ vào sự tự nguyện của người học. “Ai xác định sống chung với F0 thì đi học bình thường với điều kiện đảm bảo tiêm chủng, xét nghiệm còn ai không yên tâm thì học online, dù tổ chức cùng lúc cả 2 phương thức sẽ tương đối phức tạp”, TS. Lê Trường Tùng đưa ra gợi ý.
Dù vậy, ông Tùng nhấn mạnh nếu áp dụng cách làm trên thì vẫn phải có những quy định chi tiết trường hợp trường học có F0, dựa trên quy tắc đó các trường mới có thể cân nhắc mở cửa.
Vaccine không phải yếu tố quyết định mở cửa trường học
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá, việc các trường thận trọng mở trường là đúng vì các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM tập trung dân số đông, không gian các trường học hẹp hơn so với các tỉnh.
Mặc dù vậy, nguy cơ lây nhiễm tại các trường học không thể lớn hơn các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ quan xí nghiệp…và việc học trở lại của học sinh sinh viên là nhu cầu cấp thiết. “Các em không thể học online mãi được vì ngoài học kiến thức còn học kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Nếu phối hợp tốt thì chúng ta có thể kiểm soát an toàn các trường học”, ông Hùng khẳng định.
Trước băn khoăn của các nhà trường về việc tỷ lệ bao phủ vaccine trong học sinh sinh viên còn thấp, ông Hùng cho rằng việc tiêm vaccine cho học sinh không quyết định chuyện mở trường học hay không.
“Chúng ta không có đủ vaccine để phủ hết cho các cháu. Tổng kết từ trước đến nay, tỉ lệ trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 chỉ chiếm 10% tổng số ca nhiễm toàn quốc, đa số ở thể nhẹ không triệu chứng. Tỷ lệ tử vong ở học sinh chiếm 0.2% và thường là các em mắc bệnh lý nền, béo phì”.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, kế hoạch phòng ngừa chủ động mới là yếu tố quyết định đến việc mở trường. “Nếu có F0 ở 1 lớp thì làm gì, nếu F0 xuất hiện ở 2-3 lớp thì ứng xử thế nào phải có kế hoạch rõ ràng. Tất nhiên ngành giáo dục và y tế phải phối hợp để có hướng dẫn chi tiết. Từ đó, mỗi trường sẽ đưa ra phương án cụ thể”.
Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn khi trường học mở cửa
Tại các bệnh viện hiện đã xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cụ thể trong tình huống xuất hiện F0. PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng trường học cũng nên có cách xử lý tương tự như vậy.
“Nếu phân cách tốt giữa các lớp học với nhau, trong 1 lớp có 1 ca chúng ta chỉ có thể tạm ngừng lớp đó, còn nếu không giao tiếp với các lớp khác thì không ảnh hưởng gì và vẫn hoạt động bình thường.
Tất nhiên phải trong môi trường an toàn. Học sinh giao tiếp với nhau trong lớp, trong căng tin, hành lang, thang máy đều phải tuân thủ các quy định chi tiết như mang khẩu trang, khử khuẩn tay khi ra vào thang máy, không cười đùa nói chuyện, không đứng đối diện mặt đối mặt…Nếu thực hiện an toàn, các lớp tách biệt, căng tin mở ngoài trời đảm bảo giãn cách… thì nếu 1 lớp học có 1 ca F0 có thể khoanh vùng và các lớp khác vẫn hoạt động bình thường”, PGS. Hùng khẳng định.
Về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong trường học, ông Hùng cho rằng, ngoài thực hiện 5K thì cần có những quy định cụ thể hơn.
“Ví dụ khi vào trường học, lớp học, thang máy, nhà ăn, chỗ vệ sinh có phương tiện rửa tay không? Việc giữ khoảng cách thì phải quy định rõ là ghế kê thế nào? Học sinh không giao lưu giữa các lớp... Hay đảm bảo các yếu tố thông khí trong lớp học ra sao?…Tất cả những tình huống đó phải nằm trong yếu tố kỹ thuật hướng dẫn của ngành y tế cụ thể thì mới thực hiện được”.
Dù đã có quy định về cách ly tại nhà nhưng trên thực tế tại nhiều địa phương, khi có ca F0 xuất hiện ở trường học, những học sinh có yếu tố dịch tễ liên quan đều phải đi cách ly tập trung. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh chưa muốn con trở lại trường học ở thời điểm này.
“Hiện Bộ y tế và Chính phủ khuyến khích người dân cách ly, điều trị tại nhà với điều kiện bệnh nhẹ, không triệu chứng, gia đình có phòng riêng để cách ly, có người hỗ trợ… Nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì nên để trẻ em cách ly tại nhà”, PGS. Hùng nêu quan điểm.
Ngoài ra, khi học sinh sinh đến trường, phụ huynh cần quan tâm, hỏi han xem hôm nay con có đi đâu không, có tuân thủ quy định phòng chống dịch không, có bạn nào vi phạm quy định không, có bạn nào sốt không? PGS. TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng cha mẹ phải là người hướng dẫn và kiểm tra giám sát sẽ giúp con hình thành thói quen ý thức phòng dịch./.