Tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 9 năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) trình bày thông tin chuyên đề về “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới.

Thông tin tới các báo cáo viên, ông Tài cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) đang được triển khai tới các lớp 4 ở bậc Tiểu học, lớp 8 ở bậc THCS và lớp 11 của bậc THPT. Việc triển khai Chương trình và sách giáo khoa (SGK) 2018 là cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, chương trình 2018 đã có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận xây dựng chương trình.

“Trước đây xem kiến thức là đích đến thì nay chúng ta xem kiến thức đó là phương tiện để đạt được đích đến là phẩm chất, năng lực học sinh. Đây cũng là cách tiếp cận chung của các nền giáo dục trên thế giới”, ông Tài nói.

TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT)

Từ sự thay đổi trong cách tiếp cận xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên TS. Thái Văn Tài khẳng định việc thiết kế các môn học, biên soạn SGK có nhiều điểm mới. Trong đó, chương trình là nhất quán, là pháp lệnh còn SGK là tài liệu dạy học quan trọng của giáo viên nhưng không phải phương án duy nhất.

“SGK được biên soạn theo hướng trao quyền cho giáo viên, là một phương án để tổ chức thực hiện Chương trình, là tài liệu quan trọng. Trong quá trình dạy học, giáo viên được quyền lấy một số ngữ liệu ngoài SGK để bổ sung, thay thế các ngữ liệu có trong SGK để giảng dạy cho phù hợp. Như vậy SGK không phải là tài liệu đóng...”, TS. Thái Văn Tài chia sẻ.

Phân tích rõ hơn về độ mở của Chương trình phổ thông 2018, TS. Thái Văn Tài dẫn giải ví dụ ở môn Tiếng Việt với 420 tiết, các SGK phải thể hiện đủ 420 tiết. Các yêu cầu cần đạt thế nào thì SGK phải thể hiện rõ.

Tuy nhiên, nếu trong Chương trình cũ, 420 tiết được thiết kế thành 420 bài thì chương trình 2018 có SGK thiết kế 200 bài, có sách thiết kế 180 bài hay 150 bài… Mỗi bài dạy bao nhiêu tiết giáo viên tự xác định. Học sinh Hà Giang có thể cần 4 tiết để dạy 1 bài nhưng học sinh Hà Nội có thể chỉ cần dạy 2 tiết.

"Trước đây SGK thiết kế dạy theo bài thì nay được thiết kế theo chủ đề học tập. Từ chủ đề đó giáo viên dạy bao nhiêu tiết là quyền chủ động của giáo viên", TS. Thái Văn Tài chia sẻ.

Liên quan đến việc triển khai chương trình và SGK mới, TS. Thái Văn Tài cũng lý giải vì sao việc triển khai cấp tiểu học diễn ra êm đềm hơn so với cấp THCS, THPT khi ở các cấp học này xuất hiện những môn tích hợp, liên môn, môn học bắt buộc, lựa chọn…

“Khi đào tạo giáo viên tiểu học là đào tạo dạy đa môn, giáo viên tiểu học cũng quen dạy nhiều môn và việc triển khai dạy học tích hợp khá bài bản. Tuy nhiên, khi triển khai đến bậc THCS, giáo viên tiếp cận các môn tích hợp (Lịch sử-Địa lí, Khoa học tự nhiên) khá bỡ ngỡ và có những ý kiến khác nhau do trước đó đã quen dạy đơn môn”, ông Tài lý giải.

Cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng cấp Tiểu học, THCS là giáo dục phổ cập, trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông cơ bản, đến cấp THPT mới phân hướng nghề nghiệp. Điều này phù hợp với Khung hệ thống giáo dục quốc dân và phù hợp với chủ trương, định hướng của Nghị quyết 29.

Trước ý kiến cho rằng việc một chương trình nhiều bộ SGK gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, nhất là học sinh khi có nhu cầu chuyển trường sẽ bắt nhịp với bộ sách khác như thế nào? TS. Thái Văn Tài khẳng định, học bộ SGK ở Trường nào cũng đều đáp ứng được với Chương trình.

“Về mặt chuyên môn, tiếp cận được các bộ SGK khác nhau đó là trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên. Khi có học sinh chuyển đến, Hội đồng nhà trường phải có quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh đó đang học bộ sách nào và tư vấn đề học sinh tiếp cận sách một cách phù hợp. Thực tế, học sinh chuyển trường vì một lý do cá biệt nào đó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chúng ta không lấy cái khó của số ít để phản biện lại một chủ trương lớn, có ý nghĩa với số đông học sinh”, TS. Thái Văn Tài nói.

Hội nghị Báo cáo viên tháng 9/2023 được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Ngoại giao truyền đạt 2 chuyên đề: “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo thời gian tới” và “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam”.

Hội nghị kết nối tới 1.998 điểm cầu trên cả nước với tổng số trên 70.000 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương; 58 điểm cầu cấp tỉnh; 419 điểm cầu cấp huyện và 1.518 điểm cầu cấp xã nhằm cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên các cấp và định hướng tuyên truyền trong thời gian tới.