Tại Hội nghị tổng kết Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 20/9, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định như giai đoạn 2020- 2023. Tuy nhiên, kỳ thi sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ông Huỳnh Văn Chương khẳng định, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có những đổi mới, điều chỉnh để phù hợp Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Cụ thể, kỳ thi nhằm mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục, đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Về môn thi bao gồm 11 môn thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (nếu tính đủ các môn Ngoại ngữ sẽ là 17 môn). Trong đó sẽ có một số môn thi bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tập trung chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

"Đây là kỳ thi đánh giá cho hàng triệu thí sinh nên phương pháp thi trắc nghiệm là phù hợp", ông Chương nhấn mạnh.

Liên quan đến phương thức xét công nhận tốt nghiệp, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học và kết quả thi tốt nghiệp. Về điều này, Bộ sẽ tiếp tục có những cân nhắc về tỷ lệ tính điểm để xét tốt nghiệp. Hiện nay xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 70% là kết quả thi tốt nghiệp THPT và 30% là kết quả học phổ thông. Tuy nhiên cũng có thể tỷ lệ này sẽ là 50/50.

Cũng theo ông Chương, giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030 phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm

Về phân cấp, phân quyền tổ chức thi, Bộ GD-ĐT sẽ đóng vai trò chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định Lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương sẽ chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung của Bộ.

"Hiện nay khó khăn, thách thức lớn nhất là xây dựng được mạng lưới chuyên gia, giảng viên, giáo viên có kinh nghiệm để xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi", PGS.TS Huỳnh Văn Chương nói.

Nói rõ hơn về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh (gồm 5 phẩm chất, 10 năng lực).

Tuy nhiên, trong khuôn khổ một kỳ thi và một bài thi khó có thể đánh giá đầy đủ tất cả các phẩm chất, năng lực này.

"Có những năng lực, phẩm chất học sinh được hình thành, phát triển đồng thời kiểm tra, đánh giá trong quá trình học. Trong một kỳ thi quốc gia chỉ tập trung đánh giá vào những năng lực đặc thù gắn liền với việc lựa chọn môn học, định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT", ông Hà cho biết.

Liên quan đến định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Hà cho biết, định dạng, cấu trúc đề thi sẽ có sự kế thừa từ từ các kỳ thi trước đó nhưng đồng thời có sự phát triển để phù hợp với yêu cầu đánh giá năng lực, phẩm chất.

Việc thiết kế định dạng, cấu trúc đề thi theo ông Hà đang được Bộ nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỉ cùng với sự tham vấn, đóng góp của các chuyên gia. Ngay cả việc tăng số trang của một đề thi cũng được Bộ tính toán kỹ lưỡng bởi có thể dẫn đến tăng số tờ giấy thi, tăng chi phí tổ chức thi.

"Bộ đang nghiên cứu thêm dạng thức bài thi trắc nghiệm. Hiện nay, câu hỏi trắc nghiệm là 4 phương án và chọn phương án đúng. Tuy nhiên có thể thêm dạng thức khác như 4 phương án nhưng có đúng, có sai hoặc đưa ra câu hỏi mở nhưng trả lời ngắn… điều quan trọng phải có tính khả thi", ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.

Nhấn mạnh đến công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà nói công việc này đang được Bộ GD-ĐT thực hiện từng bước. Theo đó, đội ngũ cán bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi không tập trung vào một nhóm cán bộ, giáo viên như trước mà sẽ mở rộng tới tất cả 63 tỉnh, thành phố.

"Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng những chuyên gia cốt lõi, có thể mời Viện khảo thí Hoa kỳ tham gia đào tạo. Sau đó việc đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng tới 63 sở, ít nhất mỗi môn có 2 cán bộ giáo viên được đào tạo", ông Hà cho biết.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang có ý tưởng xây dựng thư viện câu hỏi thi. Thư việc này có thể được dùng chung để tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, định dạng đề thi đang được Bộ GD-ĐT nghiên cứu. Ngoài dạng thức 4 phương án và chọn đáp án đúng có thể thêm dạng thức 4 phương án nhưng có đúng, có sai hoặc đưa ra câu hỏi mở nhưng trả lời ngắn.