Cuối giờ chiều 28/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo kết quả tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.373, chiếm 5,34%. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.

Tổng số Điểm thi là 2.323; tổng số phòng thi: 45.149. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tại cuộc họp báo, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, trong cả Kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.

"Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức", đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến nghi vấn mã đề thi 119 môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi Đắk Đắk bị in lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia thi THPT 2024 đã nắm được thông tin và đã giao Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2024 tỉnh Đắk Đắk báo cáo, kiểm tra. Nếu đề thi phần nào bị mờ, bị lỗi sẽ có phương án giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

"Khi Sở GD-ĐT Đắk Đắk có báo cáo cụ thể, ban chỉ đạo cấp quốc gia thi THPT 2024 sẽ thông tin tới báo chí. Nếu đề in lỗi phần nào thì phương án xử lý sẽ trên nguyên tắc bảo quyền lợi thí sinh", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp báo, trước nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến nghi vấn lộ đề thi khi đề thi chính thức có sự trùng lặp, ngẫu nhiên giữa đề thi chính thức (môn Ngữ văn) với sự suy đoán, nghi ngờ, lan truyền trước khi kỳ thi diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo cụ thể về nghi vấn này.

"Việc lộ, lọt đối với đề thi môn Ngữ Văn nếu có phải thỏa mãn các điều kiện trùng cả về ngữ liệu, nội dung lẫn yêu cầu, lệnh hỏi. Đề thi chính thức môn Ngữ văn không trùng lặp cả hai điều này. Do vậy, đề thi môn Ngữ văn không có lộ, lọt", ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Đối với đề thi chính thức môn tiếng Anh khi có phần ngữ liệu được trích dẫn tại tạp chí lớn trên thế giới và điều này cũng trùng với suy luận, đồn đoán trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, đối với đề thi nói chung và đề thi môn tiếng Anh nói riêng ngữ liệu được sử dụng phải đảm bảo sự tin cậy. Riêng đề thi môn tiếng Anh, ngữ liệu thường được trích dẫn từ hai nguồn cơ bản là sách và các tạp chí, tờ báo lớn.

"Như vậy nếu có sự trùng lặp ngẫu nhiên về ngữ liệu hoặc nguồn trích dẫn ngữ liệu là điều rất bình thường", ông Hà nói.

Trước đó, một phụ huynh Đắk Đắk bức xúc, phản ánh tới báo chí về việc nguyên 1 trang của đề thi toán (mã 119) bị lỗi hàng chục vị trí có thể ảnh hưởng đến kết quả thi.

Theo ảnh chụp mã đề thi môn Toán được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội thì từ câu chữ, ký hiệu toán, đáp án đều xảy ra lỗi. Điều này khiến thí sinh vất vả, mất nhiều thời gian để suy luận và ảnh hưởng đến tâm lý. Đặc biệt, ảnh hưởng quyền lợi đến thí sinh sử dụng môn toán để xét tuyển đại học.