Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm tới 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Đầu năm 2024, đã có những trường đại học top đầu công bố việc bỏ học bạ khỏi phương án tuyển sinh.

Học bạ THPT đang bị "làm đẹp" cho mục tiêu xét tuyển vào đại học

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những trường thuộc tốp đầu trong khối kinh tế trong các mùa tuyển sinh trước vẫn sử dụng học bạ để xét tuyển nhưng kèm những yêu cầu rất khắt khe như kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm tốt nghiệp trung học phổ thông. Và học bạ để xét tuyển của trường phải là phổ thông chuyên. Việc bỏ hẳn học bạ khỏi hệ thống phương án tuyển sinh theo lý giải từ ông Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân do các em học sinh chuyên học rất giỏi và thường khi tuyển sinh sẽ trùng với các đối tượng nhóm khác.

“Ví dụ như các em đều có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay đều có điểm thi đánh giá năng lực rất cao. Việc trùng nhiều tiêu chí tạo nên tỷ lệ ảo lớn nên bỏ nhóm này không ảnh hưởng gì đến các em”, ông Triệu phân tích.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng quyết định này hoàn toàn bình thường khi quyền tự chủ tuyển sinh đã được giao cho các trường đại học và giữa sự đa dạng phương thức, bỏ xét tuyển bằng học bạ hay vẫn tiếp tục đều căn cứ trên thực tế tuyển sinh cũng như sự phù hợp trong triết lý đào tạo của từng trường.

-Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố tuyển bằng 3 phương thức: xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, Trường Đại học Kinh tế quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ trung học phổ thông dành cho học sinh trường chuyên trong khi các năm trước nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10 % chỉ tiêu.

-2024 Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ.

-Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đánh giá tư duy.

Tuy nhiên, câu chuyện lại nằm ở việc điểm học bạ, vốn để kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học đang bị "lạm phát" khi các trường ĐH dùng làm căn cứ để xét tuyển đầu vào.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng bỏ học bạ khỏi tiêu chí xét tuyển đại học đúng xu thế khi cạnh tranh vào các trường top đầu ngày càng ác liệt. Các trường không thể dùng điểm học bạ được khi lượng thí sinh giỏi xuất sắc quá nhiều. Các thầy cô phổ thông vì nhiều lí do như thương học sinh, mong các em lọt được vào trường tốt hơn đã thay đổi điểm số, đánh giá học bạ khiến học sinh và phụ huynh ảo tưởng, dẫn tới sự lựa chọn sai lầm về trường học, ngành học.

“Nhiều trường hợp các em không có khả năng theo học, bỏ giữa chừng dẫn tới lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc. Tôi rất mong phụ huynh đừng áp lực con em mình phải có bảng điểm tốt. Điểm tốt nhất chỉ nên có ở những môn các em tốt nhất. Một bảng điểm toàn 9,10 bản thân học sinh, bố mẹ các em sẽ không biết nên chọn học gì, làm gì”, ông Đông Phương phân tích.

Trước thực trạng học bạ bị cho đang bị “làm đẹp” với tỉ lệ học sinh giỏi tăng đột biến trong mỗi lớp học, bảng điểm “lung linh” toàn trên 9, thậm chí với môn học hiếm khi có điểm 9 như Ngữ Văn xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng phổ biến không ít ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho rằng đã khiến học bạ mất đi sự phân hóa cho công tác tuyển sinh. Cùng với đó, nơi này nơi khác, việc “làm đẹp” học bạ còn tạo nên sự méo mó, xấu xí trong môi trường học đường bởi tình trạng giáo viên “ép” học sinh học thêm môn của mình.

“Tôi cho đây đáng được coi như tệ nạn trong ngành giáo dục và có thể nói đạo đức nghề nghiệp đang bị vi phạm khi nơi này nơi kia có những giáo viên dạy trên lớp không hẳn hoi tử tế và lại dùng cách này hay cách khác để ép trẻ con phải đi học thêm”, bà Thanh Huyền nhấn mạnh.

Với việc nhiều địa phương có trung bình điểm học bạ cao hơn nhiều so với điểm thi tốt nghiệp THPT, bà Thanh Huyền cho rằng Kỳ thi tốt nghiệp không nói lên năng lực toàn diện thí sinh khi mà các em được giáo dục và đánh giá trong suốt hành trình 12 năm học phổ thông. "Tôi đồng ý với việc thi tốt nghiệp cần sát với định hướng đổi mới giáo dục trong việc đánh giá toàn diện học sinh và cách đánh giá làm thế nào để phản ánh rõ năng lực học sinh”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nêu quan điểm.

Giữ hay bỏ học bạ cho công tác xét tuyển đại học?

Việc giữ hay bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng thuộc về chính sách của từng trường. Điểm khác biệt trong giáo dục ở các quốc gia tiên tiến khi sử dụng học bạ trong xét tuyển sẽ luôn kết hợp với nhiều phương thức. Ví dụ như Singapo, với điểm học bạ khá, thí sinh đã được tuyển vào nhưng quá trình đào tạo lại vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ và khắt khe.

Xét tuyển bằng học bạ xét trên nhiều bình diện hoàn toàn có thể coi như phương thức tốt cho tuyển sinh nếu phản ánh đúng quá trình học tập, rèn luyện cũng như năng lực thực sự của học sinh.

Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Canada thường có một hệ thống xét tuyển đại học đa dạng và kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó có những tiêu chí giúp nhìn thấy năng lực thực sự của học sinh. Ví dụ như thư giới thiệu về những việc các em có cống hiến cho cộng đồng, những công trình nghiên cứu khoa học…hoặc những phần việc sáng tạo và tư duy phù hợp với triết lý đào tạo của nhà trường. Xét tuyển kết hợp theo bà Thanh Huyền vẫn nên được coi như phương thức hiệu quả và chính xác. Ví dụ như những trường nào đòi hỏi yêu cầu ngoại ngữ cao, việc xét tuyển phải kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Càng nhiều phương thức kết hợp càng đem lại những lựa chọn phù hợp và đúng đắn để thí sinh và nhà trường gặp được nhau.

Từ mùa tuyển sinh 2025, thí sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Đặng Thanh Huyền cho rằng các trường đại học có thể chuyển đổi sang việc đánh giá thí sinh toàn diện dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm thành tích học tập, kỹ năng mềm, dự án và hoạt động ngoại khóa. Điều này giúp tạo ra hình ảnh toàn diện về năng lực và tiềm năng của sinh viên hơn là chỉ dựa vào một số điểm thi cụ thể.

Các kỳ thi sẽ thử nghiệm việc không chấm điểm hoặc thi đánh giá năng lực sẽ có thể trở nên phổ biến hơn, giúp đánh giá khả năng sáng tạo, tư duy phê phán và khả năng giải quyết vấn đề của sinh viên.

Việc xem xét phỏng vấn cá nhân có thể trở nên quan trọng hơn để đánh giá kỹ năng và đam mê cá nhân của sinh viên.

Công nghệ thông tin có thể được sử dụng để tự động hóa quá trình xét tuyển, đồng thời cung cấp dữ liệu phong phú về ứng viên. Công nghệ cũng có thể được sử dụng để tổ chức các sự kiện trực tuyến, hỗ trợ quảng bá và tư vấn cho sinh viên.

Các trường chú trọng vào việc tăng cường đa dạng trong đội ngũ sinh viên có thể dẫn đến việc sử dụng các tiêu chí đánh giá không chỉ dựa trên thành tích học tập, mà còn đánh giá khả năng đóng góp vào cộng đồng và khả năng ứng phó với những thách thức đa dạng...