Ngày 18/06, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu sâu sắc liên quan đến việc xây dựng xã hội học tập.
Nhìn lại 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao khi các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình học tập tại cộng đồng, mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó nòng cốt là cơ sở giáo dục thường xuyên được phát triển và mở rộng… những kết quả này cho thấy, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, để xây dựng xã hội học tập đạt được kết quả như kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong thời gian tới có nhiều việc phải làm. Và trước khi xây dựng một xã hội học tập thì cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời.
“Khi theo dõi quá trình trưởng thành của một con người, người ta sẽ xem khả năng người ấy tự học, tự giải quyết các vấn đề của bản thân như thế nào? Khả năng tự học, tự tích lũy kỹ năng của bản thân chính là một thứ năng lực, năng lực gốc rễ để trang bị những kỹ năng, năng lực khác.” – Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu quan điểm, một dân tộc thiếu những con người tự học tập đó là một dân tộc thiếu năng lực để giải quyết vấn đề của mình. Nếu chúng ta có một xã hội học tập phát triển, năng động thì đó cũng được coi là nguồn lực của quốc gia. Do đó, phát triển xã hội học tập tốt cũng là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia.
Chúng ta cần phát triển một xã hội hiếu học. Trong đó, tập hợp những cá nhân hiếu học, để tạo thành nhiều tập thể những người hiếu học, một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, và một xã hội biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng để thỏa mãn mọi nhu cầu học tập.
Với vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, công việc của Bộ GD&ĐT và các ban ngành theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thực chất chỉ làm 2 công việc quan trọng đó là thúc đẩy, khuyến khích và gia tăng các nhu cầu học tập. Bằng mọi cách để thỏa mãn nhu cầu học tập của người học. Nếu thực hiện được những mục tiêu đó, chúng ta sẽ có một xã hội học tập.
Để đạt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, phải xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến việc phát triển xã hội học tập. Cần truyền thông và bằng nhiều hoạt động giúp mỗi người phải nhận thức đầy đủ được rằng, học tập liên tục là để phát triển bản thân. Muốn vậy, các cá nhân cũng cần phải được hỗ trợ, khích lệ trong học tập. Vai trò của mỗi cá nhân là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Thứ hai, cần nhấn mạnh sự chia sẻ, thống nhất về mặt quan điểm hành động. Các bộ ngành và các địa phương cần coi việc xây dựng xã hội học tập suốt đời là công việc trọng đại. Bản thân các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt.
Thứ ba, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp. Nếu không có sự vào cuộc của doanh nghiệp thì xã hội học tập thiếu đi động lực vô cùng quan trọng.
“Tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng cần thì ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Cần phải thay đổi quan điểm, chỉ dựa vào đào tạo đại học hay giáo dục trong trường nghề để đòi hỏi người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề... Dạy học ở trường chỉ trang bị khả năng thích ứng chứ không thể trang bị hết được những gì mà tất cả các doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp cũng không nên phàn nàn là phải đào tạo lại mà cần phải phối hơp với các trường để tiếp tục đào tạo theo nhu cầu.” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá hiệu quả các mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng như các mô hình trung tâm giáo dục cộng đồng. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, cần lựa chọn làm tốt một số việc ưu tiên như: xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hoạt động truyền thông và định hướng xã hội, gia tăng tài nguyên số.