Bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy là quá trình liên tục

Cô Lê Thị Thanh Thúy, giáo viên lớp B3, trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên trực thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương vừa đọc xong bức thư cho học sinh cuối cùng trong lớp. Hai ngày trước, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo đề nghị mỗi phụ huynh viết thư cho con mình và để hôm sau cả lớp cùng nhau chia sẻ những lời nhắn, những dặn dò, những câu chúc từ bố mẹ. Cô Thúy ngồi giữa, lần lượt đọc thư, cùng chia sẻ cảm xúc nói cười cùng đám trẻ. Sự gắn kết giữa nhà trường, phụ huynh và con trẻ được thực hiện bằng phương thức đơn giản nhưng lại hiệu quả.

20 năm gắn bó với trường kể từ thời điểm tốt nghiệp và công tác ở ngành sư phạm mầm non, cô Thúy được thấy hành trình vận động của nghề. Và trong đó, tự bản thân cô chưa khi nào ngừng đổi mới.

Việc dành những ngày cuối tuần để tham gia những khóa tập huấn, bồi dưỡng liên tục của nhà trường tuy vất vả nhưng theo cô Thúy là hiệu quả và cảm thấy được bù đắp nếu học sinh và phụ huynh đón nhận.

“Nhìn các con vui vẻ, hạnh phúc, yêu thích việc đến trường là động lực để mình phải thay đổi, cập nhật và mang những điều tốt đẹp nhất đến cho các con, dù biết rằng trong việc thay đổi luôn luôn có những khó khăn, ví dụ như mình phải tốn thêm thời gian, công sức.

Bọn mình tập huấn trong năm học và cả khi nghỉ hè. Lúc này sẽ được học tập ở các chuyên gia đầu ngành về mầm non trong và ngoài nước. Như hè vừa rồi, bọn mình còn thêm cả mục tự tập huấn cho nhau. Đồng nghiệp nào có gì hay, hiệu quả thì đều đem ra chia sẻ cho nhau”, cô Thúy chia sẻ thêm.

Cô Phạm Thị Thu Trang gắn bó với mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên đã 22 năm. Thuộc hàng giáo viên kỳ cựu, cô Trang được trực tiếp trải nghiệm những thay đổi trong phương pháp giáo dục ở bậc học này.

Việc nhà trường được chọn thí điểm triển khai chương trình giáo dục mầm non mới theo cô Trang không gây khó cho giáo viên khi việc bồi dưỡng, cập nhật xu hướng mới là công việc thường xuyên, liên tục của toàn bộ giáo viên trong trường. Chính điều này đã tạo nên thói quen về việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho từng giáo viên.

Việc dạy học theo cô Trang ở góc độ nào đó cần được duy trì trong sự linh hoạt và chuyển động thay vì đi theo những lối mòn, tuy an toàn nhưng lâu dài sẽ giảm hiệu quả, đồng thời khiến giáo dục trì trệ.

Mùa hè vừa qua, cô Trang cùng 10 đồng nghiệp khác đã có chuyến học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ tại 6 trường mầm non ở Singapore. Ngoài ra, trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên từng đưa giáo viên sang cả các nước Châu Âu, trực tiếp thấy cách triển khai những phương pháp giáo dục mới ở bậc học mầm non để có thể áp dụng cho quá trình dạy học.

Với quy mô 300 trẻ chia cho 12 lớp theo 4 độ tuổi: mẫu giáo lớn, mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo bé và nhà trẻ, trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên dù quy mô nhỏ nhưng với cơ sở trang thiết bị hiện đại, phòng chức năng đầy đủ đã triển khai nhiều phương pháp giáo dục theo xu hướng thế giới.

Bà Trương Thị Minh Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên là trường thực hành trực thuộc trường Cao đẳng sư phạm Trung ương. Điều này tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn không chỉ của nhà trường mà cả của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên năm học này được chọn thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới ở tất cả các lớp. Việc triển khai công tác bồi dưỡng được Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện theo quy trình giống như những lần đưa các phương pháp giáo dục mới của thế giới vào lớp học. Theo đó, ngày cuối tuần, các giáo viên sẽ cùng nhau tìm hiểu tài liệu, trao đổi những khó khăn, vướng mắc cũng như định hình những nội dung sẽ đưa vào giờ dạy.

“Ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn vào cuối tuần thì cầm tay chỉ việc được xem như đặc thù của giáo dục mầm non. Chúng tôi cũng lên kế hoạch để tổ chức cho các giáo viên có kinh nghiệm cũng như phương pháp hay chia sẻ cho những bạn giáo viên mới và những giáo viên vẫn còn chưa chắc chắn về nghề”, bà Phượng cho biết.

Ở vị trí trường thực hành trực thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên còn là điểm đến thực hành, trải nghiệm phương pháp giáo dục mới của những cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán từ các địa phương được cử đi tham gia các lớp bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần đây nhất, cán bộ quản lí và giáo viên cốt cán của 25 tỉnh thành phía Bắc đến tham quan, học tập về việc ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến ngay tại các lớp học của nhà trường.

Theo bà Phượng, điều mà bà cùng các giáo viên nhà trường hướng tới không phải một mô hình tĩnh mà sẽ thay đổi, vận động linh hoạt nhằm cập nhật nhanh những phương thức giáo dục mới. Đó mới chính là điều chương trình giáo dục mầm non mới hướng tới.

Đánh giá việc bồi dưỡng giáo viên không nên chỉ căn cứ vào các tiêu chí cứng

Trực tiếp tham gia công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán, bà Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhận thấy những khó khăn đối với giáo viên bậc học mầm non khi theo đuổi nghề đồng thời phải bồi dưỡng nâng cao trình độ. Có thể kể đến như những vướng mắc trong cơ chế, chính sách về tiền lương và thu nhập. Thứ hai là môi trường làm việc phải an toàn và về mặt tâm lý, làm sao để nhà trường, lớp học như ngôi nhà thứ 2, ấm áp và yêu thương với cả cô trò.

“Mình cảm thấy hạnh phúc bởi vì mình được làm việc với các em bé rất hồn nhiên, ngây thơ. Từng dạy bậc học này nên mình nghĩ, các cô giáo sẽ thấy được sản phẩm của mình đã rất dày công vun đắp có kết quả sẽ trở thành động lực để tiếp tục làm nghề”.

Đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ cốt cán sau khi được bồi dưỡng sẽ lan tỏa về các địa phương, các nhà trường những nội dung đổi mới. Trước những băn khoăn về công cụ làm “thước đo”, làm tiêu chí đánh giá hiệu quả của việc chuyển tải nội dung đổi mới đúng và trúng tới từng giáo viên, không để xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”, bà Xim cho rằng ngay từ đội ngũ giảng viên bồi dưỡng phải giàu kinh nghiệm. Công cụ đánh giá sẽ do đội ngũ giảng viên thiết kế gồm các câu hỏi, các bài thu hoạch, câu trắc nghiệm nhằm đánh giá được năng lực của giáo viên đã tham gia bồi dưỡng.

Khả năng quan sát của người tập tập huấn, bồi dưỡng với những người tham gia tập huấn bồi dưỡng theo bà Xim cũng nên coi như một công cụ hữu hiệu cho việc đánh giá.

“Khi người ta cười, người ta hạnh phúc, người ta cảm thấy rất phấn chấn đồng hành với tất cả công việc ở lớp học, rồi khi về địa phương các giáo viên thúc đẩy lan tỏa nhiều hơn nữa tinh thần, phương pháp và cả kĩ năng đã được bồi dưỡng. Sau một khoảng thời gian, trong những lần trao đổi trực tiếp mà mình được lắng nghe trao đổi lại, chia sẻ lại những thông tin từ chính giáo viên sẽ cực kỳ vui. Đánh giá không chỉ nhờ biện pháp kỹ thuật mà cần nhìn từ thực tế”, bà Xim phân tích.

Để có được hiệu quả cho các khóa bồi dưỡng giáo viên dù ở cấp độ cốt cán hay đại trà theo bà Trịnh Thị Xim, đội ngũ giảng viên cũng buộc phải thay đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảng dạy thay vì áp đặt từ ngành giáo dục. Việc tạo dựng các hợp phần (mô-đun) bồi dưỡng thực sự đáp ứng được nhu cầu giảng dạy sẽ khiến giáo viên thấy được tính hữu ích cho công việc để tham gia tích cực hơn. Có thể kể đến như việc bồi dưỡng giáo viên mầm non về công nghệ thông tin, xây dựng học liệu số... được xem như hợp phần quan trọng cho giáo viên mầm non hướng tới dạy chương trình mới.

Kết quả cuối cùng của quá trình bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình mầm non mới theo bà Trịnh Thị Xim, cuối cùng nằm ở việc chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho mỗi em học sinh bước vào bậc học phổ thông tiếp theo.