Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Trong đó có một số điểm mới quan trọng như: Chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20%; các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung; điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm sau khi quy đổi không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển...
Những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh nếu được thông qua và áp dụng ngay trong năm 2025 dự báo sẽ tác động nhiều đến xét tuyển của cả thí sinh lẫn các cơ sở đào tạo. Để làm rõ những điều chỉnh (dự kiến) trong Quy chế tuyển sinh, P/V VOV2 có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).
(PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT)
Các phương thức tuyển sinh quy về thang điểm chung: Khó cũng phải làm
Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, những điều chỉnh (dự kiến) về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế gì trong công tác tuyển sinh hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hiện nay các cơ sở đào tạo đang có xu hướng sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau cho cùng một chương trình/ngành đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo lại không đưa ra được căn cứ khoa học về việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, đặc biệt, tại sao lại phân bổ nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm? Một số cơ sở đào tạo còn đưa ra quy định cộng điểm quá nhiều cho chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế…
Bên cạnh đó, điểm trúng tuyển của các trường đại học một vài năm qua có chênh lệch khá lớn giữa các phương thức/tổ hợp xét tuyển. Tất cả điều này có thể gây ra sự bất công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học đối với các thí sinh không có cơ hội đầu tư cho giáo dục nhiều như thí sinh khác.
Ngoài ra, tổ chức xét tuyển sớm khi thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT có thể ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Bộ GD-ĐT nhận được không ít ý kiến, phản hồi của các Sở GD-ĐT, các giáo viên THPT về việc học sinh biết mình trúng tuyển sớm đã lơ là trong học tập ở học kỳ 2 lớp 12, trong đó có cả những môn học quan trọng như Toán. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho chất lượng đào tạo ở bậc THPT cũng như chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học?
Năm 2025 - năm đầu tiên năm học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia xét tuyển đại học. Vì vậy, cần thiết phải đổi mới Quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình và từ đó tác động ngược trở lại với việc dạy, học ở bậc THPT.
Dự thảo Quy chế có quy định đối với phương thức xét tuyển sớm các cơ sở đào tạo không được tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu của mỗi ngành/chương trình đào tạo. Vậy, cơ sở nào Bộ GD-ĐT lại khống chế chỉ tiêu 20% mà không phải 30%, 40% hay 50%?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trước hết, dự thảo Quy chế có quy định tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung để có thể đối sánh được giữa các thí sinh, đảm bảo sự công bằng. Chúng ta muốn đo năng lực, khả năng theo học của các thí sinh vào một chương trình/ngành đào tạo thì phải đối sánh được.
Điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm cũng được quy định (dự kiến) không được thấp hơn so với điểm trúng tuyển theo thang điểm tương đương của đợt xét tuyển chung. Bởi xét tuyển sớm để dành cho các thí sinh tuyển thẳng, thí sinh xuất sắc có năng lực vượt trội.
Chúng ta cũng đang muốn cạnh tranh với các trường đại học nước ngoài để "giữ chân" được các em giỏi nhất học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xét tuyển sớm phải dành cho những em có năng lực vượt trội như vậy.
Như vậy, những quy định dự kiến đó sẽ giảm quy mô của xét tuyển sớm. Chúng ta không thể xét tuyển sớm đối với những thí sinh có học lực trung bình mà phải dành cho những em xuất sắc.
Việc đặt ra giới hạn chỉ tiêu không vượt quá 20% cũng căn cứ vào những thống kê kết quả tuyển sinh trong những năm qua khi tỉ lệ thí sinh thực sự đặt nguyện vọng 1 cho nguyện vọng xét tuyển sớm trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT dao động 20-25%.
Tuy nhiên, điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự công bằng, là chất lượng đầu vào đại học cần phải được gia tăng.
Một số ý kiến cho rằng, khi xét tuyển sớm bị khống chế không quá 20% chỉ tiêu thì một số phương thức thường được các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển sớm như xét tuyển kết hợp, xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa vào các chứng chỉ Quốc tế… không còn nhiều ý nghĩa. Quan điểm của bà thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Xét tuyển sớm và các phương thức xét tuyển là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn. Xét tuyển sớm như tôi vừa nhấn mạnh là dành cho những học sinh có năng lực vượt trội và thời gian diễn ra xét tuyển thường diễn ra trước khi các em thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, các em chưa dùng được điểm thi tốt nghiệp THPT thì sẽ dùng các phương thức khác.
Tuy nhiên, sau khi các em biết điểm thi tốt nghiệp THPT, tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch Bộ GD-ĐT thì có thể sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển mà các em đã chuẩn bị. Như vậy cơ hội dành cho các thí sinh là 100% chỉ tiêu chứ không phải là chỉ cho 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Do đó, nếu các em đang ôn tập cho các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực, thi IELTS, SAT hoặc các chứng chỉ Quốc tế khác vẫn hoàn toàn có cơ hội tuyệt đối để tham gia xét tuyển ở tất cả các trường đại học, cao đẳng đã công bố xét tuyển bằng những phương thức đó.
Chỉ có điều, các cơ sở đào tạo cần thiết kế lại trọng số của các tổ hợp, cách thức, phương thức xét tuyển để làm sao có thể đối đối sánh được. Nếu như các em là những người giỏi nhất thì dù là xét tuyển theo phương thức nào các em cũng sẽ trúng tuyển.
Như vậy, lời khuyên của tôi dành cho thí sinh (kể cả giáo viên, phụ huynh) là các em cứ tập trung vào ôn tập những gì đang theo đuổi. Không phải chuyển, phải đổi và không phải quá lo lắng, chúng ta tập trung nỗ lực học tập hết mình cho cả năm học lớp 12. Kết quả học tập cuối cùng sử dụng để xét tuyển sớm hay xét tuyển chung sẽ đánh giá đúng năng lực của các em. Các cơ sở đào tạo mong mỏi tuyển sinh được những sinh viên giỏi nhất chứ không phải là những bạn kém hơn lại có thể đỗ trước.
Liên quan đến quy định tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Về mặt kỹ thuật, việc quy đổi điểm này có dễ hay không? Và vì sao nhất thiết tất cả các phương thức xét tuyển cần được quy về một thang điểm chung khi mỗi một phương thức có tính chất, yêu cầu là khác nhau?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Việc dùng các phương thức xét tuyển là để tuyển sinh vào đại học. Có nghĩa chúng ta đánh giá năng lực, kiến thức của học sinh để có thể theo học một chương trình/ngành đào tạo cụ thể. Trong quy chế tuyển sinh cũng không yêu cầu các cơ sở đào tạo phải dùng kết quả học tập (học bạ) hay phải dùng điểm thi tốt nghiệp THPT mới đánh giá được năng lực đó.
Vậy các cơ sở đào tạo phải hiểu rằng, đầu vào cần thiết của chương trình/ngành cụ thể của mình là gì để từ đó sử dụng phương thức tuyển sinh phù hợp hoặc kết hợp các phương thức với những trọng số khác nhau để đo được đúng chất lượng mình mong muốn.
Vì vậy, việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi. Chỉ có điều nó hơi khác so với trước đây đã làm nên cảm giác như có vẻ khó. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh, kể cả khó cũng cần phải làm vì lợi ích của cả hệ thống, lợi ích của từng thí sinh, đảm bảo sự công bằng cho các em khi tham gia vào xét tuyển.
Điều chỉnh Quy chế tuyển sinh không làm giảm cơ hội của thí sinh
Thưa bà, dự thảo Quy chế cũng quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Đề xuất này cũng sẽ tác động ra sao tới việc xét tuyển của các cơ sở đào tạo bằng phương thức dựa vào kết quả học tập?
Thực tế như trên tôi đã nói, việc để các em biết kết quả trúng tuyển sớm sẽ gây ra tâm lý lơ là khi các em học học kỳ cuối cùng của lớp 12. Trong khi đó những kiến thức, kỹ năng của học kỳ này là vô cùng quan trọng, là những kiến thức nền để các em tiếp tục học ở những bậc học cao hơn (không chỉ là học đại học). Quy định mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh sẽ góp phần làm tăng sự tập trung cho việc học tập, ôn tập của thí sinh, đảm bảo kiến thức, kỹ năng phục vụ phát triển năng lực bản thân của chính các em.
Như vậy, đây là những điều chỉnh về mặt chính sách mà tôi tin sẽ tác động tích cực lâu dài về sản phẩm đào tạo mà chúng ta cung cấp cho nền kinh tế xã hội
Bộ GD-ĐT cũng đặt ra yêu cầu mới về xét tuyển học bạ đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển phương thức này vào các nhóm ngành đào tạo giáo viên và Sức khỏe. Trước đó, Bộ cũng đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các nhóm ngành này. Vậy việc đặt thêm điều kiện liệu có cần thiết?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Những năm trước, sau khi các em có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của 2 nhóm ngành quan trọng là Đào tạo giáo viên và Sức khỏe.
Dự kiến điều chỉnh về Quy chế lần này, chúng ta sẽ không cần phải lập những Hội đồng đó nữa vì đã có mức độ đảm bảo chất lượng đầu vào một cách đồng đều, công bằng cho tất cả thí sinh từ ngay những giai đoạn đầu tiên. Như vậy quy trình sẽ bớt được những khâu mang tính thủ tục hành chính nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng tốt.
Nếu dự thảo sớm được thông qua, quy chế tuyển sinh mới áp dụng từ năm 2025 sẽ tác động như thế nào đến công tác tuyển sinh của các trường và thí sinh? Liệu có đột ngột khi đã gần hết học kỳ I, các trường và thí sinh đã chuẩn bị phần cho mùa tuyển sinh tới?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Như tôi nhấn mạnh, những điểm sửa đổi của quy chế đều nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế khác nhau trước đây và gia tăng sự công bằng cho thí sinh. Điều này không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
Đối với các cơ sở đào tạo, việc xây dựng các công thức quy đổi để đối sánh các phương thức/tổ hợp xét tuyển là một cơ hội để các trường rà soát, điều chỉnh các phương thức/tổ hợp xét tuyển một cách khoa học, phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo. Nếu làm tốt, các trường còn tiết kiệm được thời gian, công sức, nguồn lực cho đợt xét tuyển sớm mà tập trung cho đợt xét tuyển chung với hệ thống hỗ trợ của Bộ GD-ĐT.
2 năm qua, hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT đã cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu về học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện cơ sở đào tạo tải kết quả các kỳ thi độc lập riêng từ đó tạo thuận lợi trong công tác xét tuyển, giảm thiểu thí sinh ảo.
Và cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, cơ hội của thí sinh không bị ảnh hưởng gì cả. Dự kiến những quy định mới như hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ góp phần đảm bảo sự công bằng và gia tăng chất lượng đầu vào cho các trường đại học.
Trân trọng cảm ơn bà!