Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được lùi 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Điều này có nghĩa là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.

Các trường đại học điều chỉnh mức tăng học phí ra sao?

Hiện tại, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang áp dụng mức học phí 383 ngàn đồng/tín chỉ, tương đương 12-15 triệu đồng/năm học đối với khối ngành Kỹ thuật. Ở khối ngành Kinh tế mức học phí là 350 ngàn đồng/tín chỉ, tương đương 9-12 triệu đồng/năm học, tùy vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký.

Dù Nghị định 97 mới đây cho phép tăng học phí từ năm học 2023-2024 nhưng theo ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, vì Hội đồng trường phê duyệt học phí theo năm nên nhà trường đang giữ mức học phí ổn định so với học kỳ 1. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học tới nhà trường sẽ điều chỉnh học phí ở mức vừa phải theo lộ trình bám sát Nghị định 97 nhưng về cơ bản cân nhắc không tăng kịch như 97.

“Theo lộ trình Nghị định 97 nhà trường đã truyền thông tới sinh viên có tăng nhưng cũng 13.1% và năm tới (2025) là 12.92%. Tuy nhiên trường chưa đưa ra quyết định chính thức. Hội đồng sẽ họp và cân nhắc vấn đề này vì đặc thù của trường hầu hết các em sinh viên các tỉnh xa, hoàn cảnh kinh tế không thuận lợi, nhà trường cũng muốn chính sách học phí ở mức vừa phải để thu hút được người học và thuận lợi cho công tác tuyển sinh”, ông Thành cho biết.

Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết thêm, vì trường chưa tự chủ nên vẫn theo Nghị định 84 về học bổng. Ngoài ra, nhà trường có thêm quỹ khuyến học dành cho 30-50 em thuộc tốp xuất sắc với 5 triệu đồng/ học kỳ, 10 triệu đồng/ năm học. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với nhà trường như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam để sẵn sàng hỗ trợ sinh viên/tháng 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Thành thẳng thắn, HS giỏi có điều kiện khó khăn thì mức hỗ trợ hoàn toàn ổn nhưng những em học lực bình thường có hoàn cảnh khó khăn bắt buộc các em phải làm thêm, tham gia các dự án, đề án cùng với nhà trường để có chi phí trang trải học tập.

Theo lộ trình tăng học phí mới được điều chỉnh, trần học phí năm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên tăng là 15,8%, trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%).

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, từ năm 2023 nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ. Với việc 3 năm liền không tăng học phí nguồn thu của ĐH Y Hà Nội có giảm nhưng nhà trường vẫn cố gắng cân đối để duy trì các hoạt động. Ông cho biết thêm, trường tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên mức tăng rất ít. Trường Y sẽ có những quỹ học bổng có thể hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, việc tăng học phí sẽ không làm giảm sức hút của trường Y.

“Tăng học phí theo Nghị định nhưng nhà trường có chính sách, có quỹ học bổng có thể hỗ trợ hoàn toàn cho sinh viên học hết khóa học mà không phải đóng học phí, chưa kể nhận được nhiều học bổng của nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Nếu thực sự có năng lực, có quyết tâm mà có hoàn cảnh khó khăn nhà trường có chính sách hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, không để em nào giỏi mà không vào được trường Y”.

Trong khi đó, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã xây dựng mức học phí mới bắt đầu áp dụng từ học kỳ 1 năm học 2023-2024. Theo đó, bình quân tăng 20% tùy từng ngành học nhưng dưới mức trần cho phép theo Nghị định 97. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải khẳng định, tăng học phí sẽ đảm bảo được các nguồn chi cho giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác. Với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường có chế độ học bổng ngân sách trích từ học phí, học bổng của các doanh nghiệp và quỹ học bổng truyền thống Giao thông Vận tải của cựu sinh viên.

Chính sách tín dụng sinh viên cần điều chỉnh

Mặc dù các trường đại học hiện nay đều có chính sách hỗ trợ sinh viên, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, học phí tăng thì tín dụng sinh viên cũng cần điều chỉnh phù hợp. “Tín dụng hiện nay phụ thuộc vào các điều kiện ngân sách cũng như chính sách nhà nước trong việc hỗ trợ cho sinh viên còn mức độ đáp ứng tùy thuộc từng sinh viên. Sinh viên khó khăn đã được miễn giảm học phí chỉ thêm kinh phí sinh hoạt. Còn riêng học phí thì nếu mức học phí tăng thì các chính sách hỗ trợ tín dụng cũng nên tăng để phù hợp. Còn mức độ cho vay thấp hơn học phí thì các em sẽ vất vả, khó khăn hơn”, ông Chương phân tích.

Trao đổi về chính sách tín dụng sinh viên hiện nay, ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất không tán thành việc ngân hàng chính sách cho sinh viên vay vốn “bám” theo học phí. Một số địa phương hiện chỉ cho vay bằng mức trần học phí. Mức vay thấp khiến chính sách sách tín dụng chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho người học. Ông Thành cho rằng, chính sách tín dụng nên cởi trói và điều chỉnh phù hợp với mức sống hiện tại để người học có thể bù đắp một phần kinh phí học tập.

Chính sách tín dụng có tính chất hai mặt vừa hỗ trợ người học nhưng cũng phải đảm bảo được tính an toàn về ngân sách nhà nước. Theo quy định đào tạo tín chỉ hiện nay và theo Thông tư 08 và Luật 34 Nghị định 99, người học có thể học gấp đôi chương trình đào tạo. Tức là nếu học tối đa 4,5 năm và năm nào người học cũng vay vốn thì có thể vay được 9 năm số tiền bằng tiền học phí (do kéo dài thời gian học). Theo ông Thành, điều này không tốt cho tín dụng.

Ngược lại, nếu số tiền của người thực học chỉ bù đắp phần học phí thì không hỗ trợ được nhiều cho những em có hoàn cảnh khó khăn. “Ví dụ như sinh viên trường đại học Mỏ - Địa chất học phí chỉ hơn 1 triệu/tháng nhưng sinh hoạt phí của các em phải đến 3 triệu, như vậy học phí chỉ chiếm 20-30% tổng chi phí/sinh viên. Nếu chỉ cho vay phần học phí thì các em vẫn rất khó khăn”.

PGS.TS Bùi Thế Vinh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng, tín dụng sinh viên hiện nay còn một số nhược điểm như mức vay thấp, thủ tục rườm rà, lãi suất khá cao, đối tượng cho vay còn thu hẹp khiến cho nhiều sinh viên vẫn ngần ngại đăng ký dù có nhu cầu. Ở trường ĐH Công nghệ TP.HCM hằng năm có khoảng 20% sinh viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vay hỗ trợ học phí. Trong 20% sinh viên có nhu cầu vay thì có 70% sinh viên được duyệt hồ sơ vay vốn. “Trong 70% được duyệt thì cũng chỉ đáp ứng 50-70% mức học phí và các bạn vẫn phải xoay sở ở đâu đó phần còn lại bù đắp”.

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách vay vốn sinh viên và đa dạng hóa nguồn lực vay vốn để hỗ trợ được nhiều sinh viên trong bối cảnh tự chủ và tăng học phí hiện nay.