Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19 việc đào tạo theo phương thức trực tuyến trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục đã thích ứng và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo trực tuyến hiện cũng đặt ra nhiều thách thức về các điều kiện đảm bảo, kiểm soát chất lượng, đặc biệt khi Chat GPT xuất hiện, sự ra đời các công nghệ mới, phần mềm mới, công cụ mới hỗ trợ người dạy, người học; các chương trình đào tạo mới, hình thức đào tạo cấp bằng mới... đã nảy sinh những vấn đề mới liên quan đến đào tạo trực tuyến như Quy chế, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, đối tượng và phạm vi áp dụng...
"Ngày nay, hình thức trực tuyến không chỉ hiện hữu trong đào tạo, mà còn có mặt và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học với việc thực hiện mô phỏng các thí nghiệm ảo, các nghiên cứu với ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và học máy, cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo và quản trị hiện đại trong nhà trường - đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, và xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức cho giáo dục đại học", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, bảo đảm chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến ngày nay phải xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ thể chế, khung pháp lý, các công nghệ và công cụ để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học thân thiện, thông minh; gắn với đẩy mạnh xây dựng học liệu và khai phá dữ liệu; an toàn thông tin; đẩy mạnh STEM và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để kết hợp, tạo ra những hiệu quả đột phá trong giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo trực tuyến.
"Hội thảo lần này không chỉ là chia sẻ kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, mà cũng đề cập đến những nhân tố mới, cách tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến, hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; gắn đào tạo trực tuyến với nghiên cứu; với đổi mới chuẩn đầu ra; với công nghệ hiện đại, phương pháp dạy và học mới; với chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn mực đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu, đào tạo trực tuyến", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
Hội thảo đã nghe các báo cáo quan trọng: “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến - Cơ hội và thách thức”; “Bảo đảm và kiểm định chất lượng đào tạo trực tuyến: Nguyên tắc, quy trình và bộ tiêu chuẩn”; “Xu thế và thách thức trong đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”...
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, thông qua hội thảo này, Đại học Thái Nguyên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, đổi mới mô hình đào tạo và cấp bằng, phát triển xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho vùng và cho cả nước.