Bộ Chính trị vừa có quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Đây là một quyết định được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận trong tâm thế tin tưởng và kỳ vọng về một nền giáo dục bình đẳng, trong đó mọi trẻ em dù có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế ở mức nào cũng có quyền được đi học và có cơ hội học tập phát triển năng lực bản thân để trở thành những nhân lực có trình độ phục vụ sự phát triển của đất nước.
Học phí không phải là số tiền quá lớn, nhất là mức thu học phí ở hệ thống giáo dục công lập. Tuy nhiên với không ít gia đình có mức thu nhập thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn thì số tiền này cũng là gánh nặng và nhiều em nhỏ đã phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có điều kiện đóng học phí. Cho dù Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở mỗi địa phương đều có chính sách riêng hỗ trợ học sinh nghèo nhưng về cơ bản, khoản đóng học phí chính là rào cản khiến nhiều ước mơ học hành dang dở. Chính vì vậy, việc miễn học phí cho học sinh từ mần non đến THPT sẽ mở ra cơ hội cho những học sinh nghèo hiện thực hóa khát vọng học tập, tiếp thu tri thức và đưa tri thức đó vào phục vụ đời sống, nâng cao chất lượng bản thân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu“, đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách “sâu rễ, bền gốc “ – tỷ lệ phổ cập giáo dục THPT cũng sẽ đạt được ở mức cao khi chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT được thực hiện.
Chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông công lập có làm cho những học sinh đang học trong hệ thống tư thục bị thiệt thòi không? Để đảm bảo công bằng, chính sách miễn học phí của Đảng, Nhà nước sẽ cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập cho học sinh đang học các trường dân lập. Phần chênh học phí giữa trường công và trường tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả. Như vậy chính sách này hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì đến sự phát triển của hệ thống giáo dục tư thục mà thực sự tạo điều kiện cho những học sinh nghèo có cơ hội học tập.
Theo thống kê, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh trong đó có 3,1 học sinh mầm non dưới 5 tuổi, 1,7 triệu học sinh mầm non, 8,9 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và 3 triệu học sinh THPT.
Thời gian qua, một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn đã có chính sách miễn học phí cho học sinh. Tuy nhiên nhiều tỉnh, thành, mức thu ngân sách còn thấp nên chưa có điều kiện miễn học phí cho học sinh. Chính sách này của Bộ Chính trị thực sự đi vào lòng dân, gỡ khó cho phụ huynh, mở đường cho thế hệ tương lai có cơ hội học hành và phát triển.
Để thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, chiều 25/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo Nghị quyết).
Thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết, quy định về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập, đồng thời hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp. Nguồn nhân lực thực thi sử dụng nhân lực sẵn có tại các đơn vị.

Căn cứ theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Mức cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí do Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành phố quy định.
Tổng ngân sách nhà nước đảm bảo cho các đối tượng học sinh được miễn, không thu học phí theo quy định từ ngày 1/9/2025 là 22,4 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng (khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 1,3 nghìn tỷ đồng).
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Ủy ban) về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 và Kết luận phiên họp ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị.

Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng mở rộng hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và quy định tại khoản 3, điều 99 của Luật Giáo dục. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách; bổ sung sự cần thiết của các đối tượng thụ hưởng trong Tờ trình và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Nghị quyết.
Thường trực Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước đối với người học và chăm lo cho thế hệ trẻ; bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
30,6 nghìn tỷ đồng là số tiền nhà nước phải chi để bù cho số tiền thu học phí. Việc tinh giản bộ máy, chống lãng phí nhằm thu hồi cho ngân sách quốc gia và đầu tư cho giáo dục chính là “ quốc sách “ mà Bộ chính trị, Đảng ta đang thực hiện.Thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh vì con người là nhân tố quan trọng nhất làm nên thành công của mọi cuộc cách mạng. Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, muốn sánh vai với các cường quốc, năm châu không thể có con đường nào khác ngoài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà sự học luôn là gốc, rễ.
Chính sách tốt đã và đang được thực thi đồng hành với quyết tâm 'bứt phá' của tinh thần Việt, việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT chính là “quyết sách” hàng đầu tôn vinh sự học, nâng cao tri thức để có được những lớp người trẻ, năng động, tinh nhuệ phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc./.