Để nguyên tiếng nước ngoài hay phiên âm sang tiếng Việt?

Việc Phiên âm các từ tên tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hiện nay chưa có sự thống nhất. Vấn đề tranh cãi ở đây là phiên âm theo cách đọc như trước ta đã làm hay là không phiên âm nữa để nguyên tiếng nước ngoài? Về vấn đề này, phiên dịch tiếng Anh Tạ Quang Đông băn khoăn, nếu để nguyên tiếng nước ngoài thì không biết là nên để tiếng nước nào? Với tên người Anh, người Mỹ thì để tên tiếng Anh, còn các tiếng nước khác thì như thế nào?

Phiên âm sang tiếng Việt theo cách đọc nhiều ý kiến cho rằng không chính xác. Tuy nhiên, ông Đông cho rằng đó cũng là chuyện bình thường, vì ngay cả người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chỉ phiên âm na ná, không hoàn toàn chính xác.

Ông Đông đơn cử thủ đô của Pháp, chúng ta vẫn hay gọi là Paris. Nhưng tiếng Pháp phát âm là pa-ghi, âm ký tự R thì trong tiếng Pháp không uốn lưỡi như trong tiếng Việt thành Paris... Việc người nghe hiểu hay không, thì đó là vỏ ngôn ngữ quy ước mà thôi. Chẳng hạn chúng ta quy ước gọi thủ đô của Pháp là Paris thì nó là Paris... Thậm chí ngày xưa các cụ phiên theo âm Hán Việt là thủ đô của Pháp là Ba lê… tất cả đều là quy ước hết.

Xây dựng bộ quy tắc phiên âm chuẩn là việc khả thi

Việc đưa ra bảng danh mục thống nhất phiên âm tên tiếng nước ngoài, theo ông Đông là rất cần thiết. "Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề này... Thậm chí Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản còn xây dựng cả cuốn từ điển lớn để phiên âm. Mặc dù ngôn ngữ của họ thuộc khối chữ vuông, không sử dụng ký tự Latinh, việc phiên âm phức tạp hơn chúng ta rất nhiều", ông Đông cho biết.

Khi phiên dịch, ông Tạ Quang Đông đã chứng kiến người nước ngoài sang Việt Nam luôn quan tâm tìm hiểu xem tên của đối tác Việt Nam phát âm như thế nào? Chẳng hạn như là tên Hùng gồm các chữ cái H -U -N- G, họ đã rất cẩn thận phiên âm để làm sao phát âm ra đúng là Hùng. Tất nhiên là thanh điệu thì họ không phát âm được, nhưng họ cũng phiên âm để đảm bảo không phát âm nhầm từ đó theo tiếng nói của họ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, chúng ta muốn thống nhất về phiên âm tên tiếng nước ngoài thì cần phải tiến tới xây dựng bộ quy tắc chuẩn về phiên âm, ít nhất là cho những nhóm ngôn ngữ cùng một hệ. Có như vậy thì khi chúng ta đọc, hay tiếp cận những tên riêng đó sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên bộ quy tắc này phải được xây dựng dựa trên những quy định thống nhất mang tính nhà nước.

PGS.TS Phạm Văn Tình cũng cho rằng, nếu không phiên âm, mà chúng ta cứ để nguyên dạng, thì những người không biết ngoại ngữ sẽ không thể đọc được. Khi phiên âm tên thì bao giờ cũng phải có chú thích nguồn gốc rõ ràng, chẳng hạn là nhà văn nước nào, là nhà khoa học nào, xuất xứ của cái tên gọi đó ở đâu.

Sở dĩ việc phiên âm làm cho người nghe không nhận ra được là do chúng ta thiếu quy tắc chung về phiên âm. Và theo PGS.TS Phạm Văn Tình việc xây dựng danh mục phiên âm chuẩn tiếng nước ngoài theo quy tắc chung là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu. Trước hết là các nhà ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu khoa học nói chung, cùng nhau nghiên cứu đưa ra cách phiên âm nào cho phù hợp. Điều này rất quan trọng bởi vì nó liên quan đến vấn đề truyền thông, liên quan đến giáo dục, đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Nếu ta làm tốt thì nó sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp cận thông tin của người dân.

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng để có cách đọc tốt nhất về tên riêng tiếng nước ngoài nào đó thì cần phải có người biết tiếng nước đó đề xuất cách đọc hợp lý. Chẳng hạn tên tiếng Đức thì phải có người đọc được tiếng Đức đưa ra cách đọc. Thực ra phiên âm để đọc chính xác tuyệt đối là điểu hầu như không thực hiện được. Phát âm chính xác chỉ có thể là người bản ngữ, nhưng người Việt đọc theo phiên âm thì khó mà có thể phát âm được như vậy, vì đôi khi các âm ở một số ngôn ngữ khác trong tiếng Việt là không có. Cách đọc theo phiên âm là một trong những cách nhận diện ngữ âm và có thể có sự khác biệt một chút, đọc một cách lơ lớ mà ta vẫn nhận diện ra được thì cũng không gây trở ngại, trong giao tiếp.

Ông Tạ Quang Đông cũng cho rằng việc xây dựng một danh mục phiên âm chuẩn phục vụ cho việc phát âm tên tiếng nước ngoài trên truyền thông, trong các trường học, trong đời sống xã hội là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên đây là việc làm rất khó và rất phức tạp. Nhưng thực ra cái khó cái phức tạp chỉ là do các tên riêng là muôn hình muôn vẻ và nó luôn xuất hiện những cái tên mới. Tuy vậy với những trường hợp này chúng ta cũng chỉ cần áp dụng những quy tắc đã có sẵn.

Theo ông Đông có thể tham khảo lại những dịch phẩm cũ ngày xưa vì những cuốn sách này rất hay ở chỗ là khi ghi phiên âm, người ta đã thêm cả từ gốc vào. Nhờ vậy mà ông Đông đã biết trong tiếng Pháp chữ a với u thì đọc là ô, e đứng riêng thì đọc là ơ, e thêm dấu huyền thì đọc là e, e thêm dấu sắc thì đọc lại ê .... Thậm chí tiếng Đức thì w đọc là v,... Tất cả những quy tắc đó ông Đông đã tập hợp lại thành một bảng nhưng cũng không nhiều. Và theo ông Đông qua những quy tắc đó là có thể giúp người đọc phát âm tương đối chính xác. Như vậy tên riêng mang tính chất là quy ước thôi. Và thực ra lượng từ vựng với tên riêng là tên người tên đất cũng không phải là quá nhiều.

Như vậy là việc xây dựng một danh mục phiên âm thống nhất theo quy tắc chuẩn mang tính nhà nước là điều hết sức cần thiết và xem ra là hoàn toàn có thể thực hiện được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có được bộ quy tắc chuẩn này, giúp cải thiện tình trạng loạn phiên âm như hiện nay./.