Ủng hộ các nhà trường vùng thiên tai, có nhiều cách thức khác nhau

Suốt những ngày sau cơn bão Yagi, đặc biệt khi cả nước vừa qua lễ khai giảng năm học mới lại phải thấy cảnh trường học tan hoang, học sinh bị cô lập, chưa được trở lại trường, thậm chí đã có không ít học sinh, thầy cô tai nạn thương tích hoặc thiệt mạng khi mưa lũ tràn qua... Trong bối cảnh ấy, mỗi người dân Việt Nam bằng tinh thần “lá lành đùm lá rách” có lẽ đều cùng chung ý nghĩ cần phải làm một việc gì đó nhằm chia sẻ khó khăn, vợi bớt đau thương và để các em cũng như thầy cô mau chóng trở lại trường.

Ngay trong môi trường học đường cũng chứng kiến những cách thức khác nhau của thầy trò hướng về những địa bàn khó khăn, thiệt hại sau bão.

Có thể kể đến như học sinh THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội tổ chức quyên góp trong toàn trường. Với 350 triệu đồng tiền mặt cùng quần áo, đồ dùng học tập, thầy trò nhà trường mong muốn chuyển tới các bạn vùng thiên tai thông điệp “Lũ ở dưới chân, sách vẫn trên lưng”. Các hoạt động văn nghệ, giải trí, tổ chức trung thu cũng hủy bỏ để chuyển số tiền dự định tổ chức cùng hiện vật đã quyên góp về Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Học sinh trường tiểu học Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng chung tay cho chương trình “Lan tỏa yêu thương” bằng hoạt động tự làm các phần quà và vẽ tranh. Phụ huynh sẽ mua lại những bức tranh này để có nguồn tiền ủng hộ các bạn học sinh vùng bão lũ.

Các thầy cô ở nhiều trường thuộc nhiều cấp học, ngoài việc tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng cho học sinh thì còn trực tiếp ủng hộ đồng nghiệp, học sinh các địa bàn bị tác động bởi thiên tai bằng ngày lương, bằng hiện vật.

Đặc biệt ngày 17/9, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội) đã quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Cụ thể mỗi tháng nhà trường sẽ cấp mỗi em 3 triệu đồng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu cho đến khi các bé đủ 18 tuổi.

“Một tuần nay khi theo dõi tin tức thảm họa ở Làng Nủ, tôi đã khóc khi thấy những em nhỏ bỗng dưng mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí không còn một người thân nào. Thế là nghĩ ra cách mình có thể làm: nhận “nuôi” các cháu còn sống sót, bù đắp cho các em, để các em được ấm no và học hành tử tế”, thầy Khang chia sẻ với báo chí sau đó.

Hành động chia sẻ ấm áp và thiết thực này theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm chắc chắn đã khiến cộng đồng cảm động, kể cả người biết hoặc không biết thầy Xuân Khang, đồng thời khơi gợi nhiều hơn trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

“Đặc biệt với những người làm trong lĩnh vực giáo dục của chúng tôi, tiếp xúc với trẻ em trong nhiều điều kiện, nhiều địa phương khác nhau nên dễ có cảm xúc, thậm chí thấu cảm với việc làm của thầy Xuân Khang. Và tôi tin đó không phải chỉ dừng ở hành động mang tính thời điểm mà xuất phát từ mong muốn đem tới cho trẻ em nói chung, học sinh nói riêng những điều tốt đẹp nhất”, thầy Huy Tâm phân tích.

Việc quyên góp, chia sẻ khó khăn của các nhà trường, các đơn vị giáo dục thực tế đã thực hiện từ lâu, không chỉ thời điểm xảy ra thiên tai, bão lụt hay cho những địa bàn khó khăn mà ngay cả với các bạn sống trên cùng địa bàn nhưng gia đình thuộc diện khó khăn. Có nghĩa các hoạt động thiện nguyện ở trường học đã trở thành thói quen, thành thông lệ trong môi trường giáo dục. Chính điều này theo thầy Tâm đã góp phần hình thành phẩm chất, kĩ năng cho học sinh ở hai khía cạnh gồm giá trị nhân văn trong mỗi con người cùng khả năng hợp tác giữa các cá nhân trong cộng đồng.

“Khi hai giá trị này được xây dựng, hình thành và rèn rũa qua các cấp học thì đến một giai đoạn nào đó, trước các vấn đề lớn của quốc gia, các em học sinh hoàn toàn có thể tham gia đóng góp phần của mình một cách thực tâm. Đó là điều những người làm giáo dục như tôi nỗ lực hướng tới cũng như quan sát được”, thầy Tâm bày tỏ.

Đóng góp bao nhiêu không quan trọng bằng đóng góp như thế nào

Bên cạnh những nỗ lực từ các nhà trường, thầy cô, học sinh và cả phụ huynh bằng những hành động đẹp, cũng có không ít băn khoăn và điều tiếng trong hoạt động chung tay với bà con, học sinh vùng lũ. Có ý kiến than thở nhà khó khăn mà vẫn phải ủng hộ, hay phản ứng về mức thu hay về cách thức đóng góp. Trên nhiều trang diễn đàn giáo dục, người ta đã nghe đâu đó những tiếng nói phản biện về hình thức kêu gọi phụ huynh ủng hộ bằng chuyển khoản. Rồi sau đó công bố danh sách ủng hộ này cùng đầy đủ tên học sinh, số tiền đóng góp.

Công khai, minh bạch số tiền ủng hộ thu được là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc hơn thua, người ít người nhiều, lớp ít lớp nhiều phơi trên nhóm chung của lớp, của trường bỗng dưng khiến nhiều người băn khoăn về “bệnh thành tích trong giáo dục” xuất hiện ở một diện mạo khác, một tình huống khác.

“Cá nhân tôi cho rằng chúng ta không nên đánh đổi một giá trị này để lấy một giá trị khác trong môi trường giáo dục. Hành động thiện nguyện cần đến từ mỗi cá nhân, làm sao để mỗi người tham gia, dù bao nhiêu hay như thế nào cũng không bị đem ra so sánh, bị công kích hoặc thậm chí tổn thương. Minh bạch ở đây cũng cần chú ý đến tôn trọng quyền cá nhân”, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm khẳng định.

Làm từ thiện, ủng hộ nhưng cần mang giá trị giáo dục cho chính các em học sinh là điều chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh.

Mới đây, trường liên cấp LôMôNôXốp đặt ra mức quyên góp không quá 30.000 đồng/học sinh. Với mức này, thoạt nhìn sẽ thấy ít và khó hiệu quả.

Trước thông tin về mức đóng góp này, Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường lấy giáo dục là cốt lõi. Trong đợt bão lũ này, chúng tôi mong muốn giáo dục kỹ, sâu cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, lòng yêu thương đồng bào bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão lũ và giáo dục học sinh biết sẻ chia nỗi đau thương mất mát với đồng bào. Nhưng tinh thần sự sẻ chia phải là sự thấu cảm, và tự nguyện một cách vui vẻ, thoải mái.

Nhà trường căn cứ trên khả năng của học sinh, tiền tiết kiệm của các em, tiền các em gom lại từ những đợt thưởng, tiền mừng tuổi đợt tết hoặc các dự án nhỏ mà các em thực hiện thì mức dưới 30.000 đ là hợp lý và các em không cần phải xin bố mẹ mà vẫn có thể tham gia ủng hộ được, có nhiều em lớp bé chỉ ủng hộ 5.000 cũng là rất vui rồi”.

Với quan điểm cũng như cách thức triển khai này, trường LôMôNôXốp nhận được ủng hộ rất lớn từ phụ huynh, các em học sinh. Sự so sánh giữa các học sinh trong nhà trường theo thầy Tùng dễ làm học sinh buồn hoặc tủi thân. Để học sinh tự thả phong bì chứa khoản tiền nhỏ của chính các em vào thùng quỹ và không liệt kê chi tiết tên hoc sinh, tên lớp trong trường hợp này sẽ phù hợp và mang tính giáo dục hơn.

Thầy Tùng cũng cho rằng việc hạn định mức ủng hộ này không cứng nhắc như thông báo. Ví dụ có học sinh được học bổng, tiền tiết kiệm nuôi lợn mà từ tâm muốn ủng hộ nhiều hơn, thầy cô hướng dẫn các em hỏi ý kiến và nhờ bố mẹ ủng hộ vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hoặc nhiều em muốn ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập thay cho tiền, nhà trường cũng sẽ tiếp nhận và chuyển đến những nơi thực sự cần, tránh lãng phí và phụ lòng tốt của các em.

Thêm vào đó theo thầy Quang Tùng, nếu mức ủng hộ lớn, học sinh chưa làm ra tiền sẽ phải xin bố mẹ. Trong khi phụ huynh đã ủng hộ nhiều nơi như cơ quan, tổ dân phố, các hội nhóm khác nhau. Thêm vào đó, thời điểm đầu năm học còn phải đóng nhiều khoản học hành cho con em, dễ dẫn đến tâm lý không thoải mái khi con xin tiền thay vì tự trích một khoản từ ngân quỹ nhỏ bé của các con cho hoạt động thiện nguyện.

Trong đợt ủng hộ sau cơn bão số 3, Yagi lần này cũng chứng kiến sự nở rộ của phương thức chuyển khoản trong các nhà trường. Có thể phụ huynh chuyển khoản cho ban phụ huynh hoặc cho thầy cô giáo để nộp chung về trường. Cách thức này được cho rằng nhanh, hiệu quả, thiết thực khi sử dụng cho việc mua sắm những đồ bị hỏng hóc hoặc đang thiếu phục vụ cho học tập hoặc cả đời sống của các bạn học sinh, thầy cô vùng thiên tai. Ngoài ra còn có thể giảm chi phí vận chuyển, phân loại...Tuy nhiên, ở đây có thể thấy học sinh không còn ở vị trí chủ thể tham gia hoạt động quyên góp, thiện nguyện.

“Cá nhân tôi từ kinh nghiệm những năm tháng dạy học ở Mỹ từng chứng kiến học sinh tham gia ủng hộ, hỗ trợ sau bão. Ở đây gồm cả việc chuyển khoản lẫn nhận vật phẩm. Điều quan trọng nằm ở việc phân chia rõ ràng, minh bạch và đúng đối tượng. Ví dụ như những vật phẩm tiêu dùng thiết yếu được ưu tiên phân chia cũng như vận chuyển ngay đến những địa bàn đang có nhu cầu khẩn thiết. Tức là vẫn chấp nhận mọi hình thức ủng hộ, thiện nguyện”, thầy Huy Tâm phân tích thêm.

Vấn đề ủng hộ ở các trường học quan trọng chủ thể hoạt động phải thuộc về học sinh. Phụ huynh không làm hộ, làm thay. Hoạt động thiện nguyện nếu được tổ chức tốt mang giá trị cho cả hai phía: học sinh vùng khó khăn, thiên tai bớt đi những khó khăn, vất vả còn các em tham gia ủng hộ học được bài học về sự sẻ chia, tình yêu thương và trách nhiệm cộng đồng.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 cùng chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm: