17h chiều, bữa ăn dành cho các bệnh nhân tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương đã sẵn sàng. Đây là Trung tâm có chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần mãn tính, không tự chủ được bản thân, có hành vi nguy hại cho gia đình và xã hội. Sắp đến giờ ăn, nhân viên trung tâm cho bệnh nhân xếp hàng và đi theo từng đối tượng.

"Phục vụ bệnh nhân tâm thần, đặc biệt những người bệnh nặng là phải giúp đỡ họ từ các khâu ăn uống, tắm rửa, gội đầu đến cắt móng tay hay đi vệ sinh", chị Phạm Thị Phượng, Phó trưởng khoa Bệnh nhân nữ chia sẻ. Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm, chị Phạm Thị Phượng, đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, từ e ngại, lo lắng đến trở nên thân thiết và gắn bó tự lúc nào.

"Ở đây chúng em có nhiều cái bất cập lắm, đối tượng họ không tự phục vụ được mình, tất cả đều phải nhờ vào cán bộ, phải chăm sóc họ từ miếng ăn và giấc ngủ rồi quần áo tắm giặt chúng em phải phục vụ hết. Nhưng đối với chúng em làm ở đây lâu năm rồi thì nói thẳng là yêu ngành yêu nghề và không muốn đi sang chỗ khác nữa tại vì cũng quen bệnh nhân rồi, mọi công việc đã vào nề nếp rồi nên cũng không cảm thấy gì là buồn chán, muốn đổi ngành nghề khác nữa. Cũng muốn gắn bó đến lúc nghỉ hưu luôn".

Trong công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần, khó khăn nhất là khám chữa bệnh cho họ. Mỗi cá nhân một tính cách khác nhau, có người trầm tính, ít nói, nhưng ngược lại có những người hung hăng, ngang bướng, buộc người bác sỹ phải hiểu tính nết từng người và đối xử với họ bằng cái tâm nghề nghiệp.

Bác sỹ Hương chia sẻ: Điều trị cho những người bình thường đã vất vả còn những bệnh nhân tâm thần đúng là vất vả hơn rất nhiều vì bệnh nhân tâm thần họ không biết họ bị ốm hoặc là họ bị làm sao cho nên mình phải tự tìm đến họ thôi. Chúng tôi phải thường xuyên nắm bắt xem bệnh nhân có ốm không, có sốt không.

Với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân tâm thần dù vất vả nhưng họ luôn không quản ngày đêm, làm tốt nhiệm vụ của mình, mang lại cho mỗi bệnh nhân nơi đây cuộc sống tốt nhất. Như cảm nhận được ân tình của những người chăm sóc mình, chị Phạm Hồng Lơi – một bệnh nhân đã gắn bó với Trung tâm 15 năm nay luôn cảm thấy ấm áp như ở chính ngôi nhà của mình vậy.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương, những người bệnh còn được học nghề, từ làm chiếu tre, lắp ráp quạt, làm tăm hương hay chổi chít. Những công việc này mở ra cho họ những hy vọng về cuộc sống mới, có khả năng tự chủ khi tái hòa nhập cộng đồng. Dù phải mất khá nhiều công sức nhưng đôi mắt chị Nguyễn Thị Nhung – cán bộ hướng dẫn bệnh nhân làm tăm hương và chổi chít luôn ánh lên niềm vui khi được làm một công việc có ý nghĩa "Cần hướng dẫn tỉ mỉ từng ly từng tý một tại vì đây là bệnh nhân tâm thần mà".

Nhìn đôi bàn tay làm chổi thoăn thoắt của anh Đoàn Xuân Hoài, ít ai ngờ được anh đã từng là bệnh nhân khá nặng của Trung tâm.

"Ngày em làm được 50 chiếc. Làm 5 tiếng, buổi sáng 2,5 tiếng, buổi chiều 2,5 tiếng. Trong trung tâm làm cái này Ban lãnh đạo cũng cho uống sữa đậu nành, ăn hoa quả, thỉnh thoảng tổ chức liên hoan, có nhiều món ngon lắm. Em cảm thấy thoải mái. Em bị bệnh các bệnh sỹ khám ngay và cho thuốc ngay, ốm là có thuốc, y tế tốt lắm".

Những ai khi mới làm công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần đều có cảm giác sợ hãi. Thế nhưng, sau những tháng ngày cùng ăn, cùng chơi, cùng làm việc, họ ngày càng hiểu rõ và thương những người bệnh của mình nhiều hơn. "Nói chung là ở đây bệnh nhân họ quen mình rồi hay sao nên là bệnh nhân với cán bộ cảm thấy hòa hợp. Công việc tiếp xúc hàng ngày thấy bệnh nhân họ cũng đáng yêu mà, nhiều lúc cũng thấy bực mình nhưng mà cơ bản cũng thấy thích", chị Nhung chia sẻ.