Nguyễn Văn Thiên Vũ, 32 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022. Anh cũng được trao giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm 2022.
Thiên Vũ hiện điều hành 2 công ty, đạt doanh thu 80 tỉ đồng, lợi nhuận 2 tỉ đồng năm 2022; ứng dụng rộng rãi máy bay không người lái vào canh tác sản xuất nông nghiệp trên 40 tỉnh, thành phố. Thiên Vũ cũng đang phối hợp cùng Trung ương Đoàn ra mắt sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse.
Hành trình thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp bằng công nghệ cao
Yêu thích máy bay từ bé, tự nhận mình có chút “máu liều”, khi còn là sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Văn Thiên Vũ đã sản xuất chiếc máy bay không người lái đầu tiên trong đồ án tốt nghiệp của mình.
Từ chiếc máy bay không người lái đầu tiên, Vũ và các cộng sự bất ngờ nhận được những đơn hàng nghiên cứu, sản xuất drone (máy bay không người lái công nghệ cao) cho mảng quân sự, quay phim. Năm 2015, từ gợi ý của khách hàng, Vũ và các cộng sự nhen nhóm sản xuất drone cho nông nghiệp. Nhưng ở thời điểm đó, drone là một khái niệm xa lạ không chỉ với bà con nông dân mà còn chính với đội ngũ của anh. Vì vậy, Vũ đành tạm gác giấc mơ của mình.
Thế nhưng, duyên phận với mảng drone nông nghiệp chưa dừng lại. Năm 2018, anh hỗ trợ triển khai mảng kỹ thuật bay cho một tập đoàn của Mỹ, ứng dụng drone cho nông nghiệp ở nhiều nước, thử nghiệm 1-2 mùa vụ ở Việt Nam. Càng làm, niềm tin vào giấc mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao lại càng được bồi đắp mạnh mẽ trong Vũ.
Từ bỏ công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước ở tập đoàn nước ngoài để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thử thách tiếp tục “đeo bám” chàng trai xứ Huế khi thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen canh tác cũ.
“Gặp 10 người nông dân thì 10 người đều phản đối công nghệ này. Họ nói mình là sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm về mảng nông nghiệp trong khi họ cả đời làm nghề, làm sao có công nghệ vô lý như vậy được?”, Vũ kể.
Tuy nhiên, niềm tin đã giúp anh không nản lòng. “Mình thuyết phục các bác nông dân cho thử nghiệm, nếu có bất trắc xảy ra, cháu sẽ bồi thường theo yêu cầu của bác”.
Cuối cùng, Vũ cũng đã được phép thử nghiệm ứng dụng drone tại tỉnh Đồng Tháp. Chủ ruộng có diện tích lên đến 400-500 ha. Tuy nhiên Vũ chỉ xin 1-2 ha trong khuôn viên để đối chứng. Một bên là làm nông nghiệp thủ công còn một bên áp dụng công nghệ cao.
Từ lần đầu tiên thử nghiệm thành công, 5 năm qua, Vũ đã áp dụng công nghệ cho khoảng hơn 30.000 hộ nông dân trên hơn 50 tỉnh thành toàn quốc. Máy bay không người lái đã được ứng dụng trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo hạt và thay thế nông dân “thăm khám” ruộng đồng.
“Mình hỗ trợ lũy kế cho hơn 4 triệu ha, tiết kiệm 1.5 tỷ lít nước trong canh tác nông nghiệp, phần nào giảm phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính, giảm một phần lượng thuốc rơi vãi trên nước và đất, cải tạo nguồn đất nông nghiệp cho thế hệ tiếp theo, chi phí canh tác giảm 20-30%, chất lượng nông sản được nâng tầm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật kiểm soát minh bạch.
Đặc biệt, một số công ty xuất nhập khẩu đưa ra tiêu chí: nông trại thực hiện canh tác bằng drone sẽ uy tín và được đánh giá cao hơn so với phương pháp phun tay”, Vũ tự hào về thành quả của mình và các cộng sự.
Khi đã ứng dụng máy bay không người lái, 100% nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hưởng ứng công nghệ này. Bởi hơn hết, họ cảm nhận được hiệu quả khi thay đổi tư duy sản xuất.
“Một số bác nông dân ôm mình và khóc. Trước đây các bác làm nghề nhưng không ai tôn vinh nhưng từ khi chuyển qua làm dịch vụ máy bay, các bác được gọi là phi công, đi đâu cũng được tiếp đón hỗ trợ, được nhìn bằng con mắt khác, sinh kế được cải thiện, các bác như được đổi đời”, Vũ kể.
Khát vọng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam
Nguyễn Văn Thiên Vũ cũng phối hợp với Trung ương Đoàn ra mắt sàn nông sản Vũ trụ ảo AgriVerse, triển khai ở 13 tỉnh thành. Giống như sàn thương mại điện tử, đây là giải pháp công nghệ mới giúp kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn với người tiêu dùng có nhu cầu thông qua Vũ trụ ảo (Metaverse). Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 400 sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse được triển khai khắp cả nước.
Trong giai đoạn dịch bệnh, khi tìm phương án tiếp cận khách hàng online, công ty Vũ tìm đến Metaverse. Tuy vậy, anh cũng có nhiều trăn trở với các dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn. Đó là hiếm người sản xuất giỏi mà làm thương mại tốt. Từ thực tế này, Vũ và các cộng sự ứng dụng công nghệ Metaverse để thành lập AgriVerse.
Giống như sàn thương mại điện tử thông thường nhưng người mua người bán tham gia AgriVerse có thể gặp nhau trực tiếp, trao đổi, thử nghiệm sản phẩm 3D và thỏa thuận giá.
Nhờ đó, thanh niên khởi nghiệp không cần làm các gian hàng vật lý mà chỉ cần đăng ký AgriVerse, khách hàng trên khắp thế giới có thể truy cập, thăm quan gian hàng, trao đổi, mua bán trực tiếp.
Chia sẻ về dự án, Vũ cho biết, từ 2022-2025, công ty anh sẽ phổ cập công nghệ cho thanh niên nông thôn 63 tỉnh thành để có định hình trong xây dựng doanh nghiệp. Tiếp đó, với hệ sinh thái có sẵn, Vũ tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong các hoạt động kích cầu, hỗ trợ marketing, công cụ thanh toán, kho bãi trung gian... để tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài.
Đằng sau nỗ lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Vũ là khát vọng tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn, giúp họ thay đổi tư duy, nâng tầm nghề nông.
“Trước đây, nhiều bạn có tư duy làm nông không sang chảnh. Vì vậy các bạn lên thành phố, đi làm ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, mình muốn tạo ra sự thay đổi, để các bạn thấy làm nông cũng đáng tự hào. Việt Nam có dư địa nông nghiệp lớn nhưng thiếu nhân lực trình độ cao. Khát vọng của mình là làm gì đó để phát triển nông nghiệp, kéo các bạn về với nông thôn, phát triển nông sản và nâng tầm nông nghiệp trong định hướng Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới”, Vũ khẳng định.
Thiên Vũ không giấu tham vọng nghiên cứu phát triển nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, chia sẻ sâu hơn với bà con nông dân ở mảng nông nghiệp. “Hiện, bà con không tiếp cận được với nguồn tài chính dẫn đến chi phí canh tác, lãi suất vay canh tác cao. Mình muốn kết hợp để hỗ trợ bà con nguồn lãi suất vay tốt hơn, hỗ trợ quy trình sản xuất, cung ứng vật tư, phục vụ dịch vụ, hỗ trợ bao tiêu đầu ra”.
Vũ định hướng xây dựng hệ sinh thái toàn diện. Trong 2022, anh đã hoàn thành mục tiêu cứ 7 km lại có một “Trạm dịch vụ nông dân” tại 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Trong năm 2023, Vũ đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách các trạm dịch vụ ở miền Tây, sau đó phát triển sang miền Đông và Tây Nguyên.
“Những ki-ốt này là những trung tâm tư vấn toàn diện cho bà con, từ tài chính đến quy trình, dịch vụ, đầu ra. Đó là mục tiêu mình định hướng phát triển cho mảng nông nghiệp”./.