Nhằm định hướng cho giảng viên và sinh viên có kỹ năng sử dụng ChatGPT cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập một cách hiệu quả, sáng nay (14/3), tại Hà Nội, Trường ĐH Thuỷ lợi đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “ChatGPT và Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo tại trường ĐH Thuỷ Lợi – Cơ hội và thách thức”.
Cuộc tọa đàm với sự chia sẻ của 2 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin là GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy- Trưởng phòng Thí nghiệm Mục tiêu, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ ( ĐHQGHN) và GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và hàng trăm sinh viên trường ĐH Thủy lợi – những người quan tâm đến lĩnh vực Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và ChatGPT.
Trong phần phát biểu của mình GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi nhấn mạnh: Việc ChatGPT ra đời ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực giáo dục tuy nhiên làm thế nào để sinh viên không lạm dụng các phần mềm Chat bot để làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cũng như làm thế nào để khẳng định được cái liêm chính trong thi cử, trong học thuật là điều các nhà quản lý, các thầy cô và bản thân sinh viên cần đặc biệt lưu ý.
GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ lợi bày tỏ quan điểm: ĐH Thủy lợi rất quan tâm và thích ứng rất nhanh để làm sao hệ sinh thái ChatBot này nó có những ưu điểm nào, hạn chế gì, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt trong môi trường học thuật để khẳng định liêm chính học thuật. Nếu như chúng ta không thích ứng được, trong khối lượng kiến thức không lồ chúng ta không tận dụng được thì câu chuyện truyền cảm hứng cho sinh viên sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó sinh viên không có liêm chính khoa học, không có sự trích dẫn khoa học một cách bài bản theo đúng học thuật thì sẽ bị lệch hướng, làm cho cả xã hội sẽ bị trống rỗng. Đứng trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là hệ sinh thái ChatBot, lãnh đạo nhà trường phải chủ động thích ứng trong môi trường đó. Bên cạnh việc sử dụng ưu điểm vượt trội của khối dữ liệu khổng lồ từ hệ thống trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái ChatBot, đồng thời phải nhận diện những nhược điểm của ChatGPT để tìm ra những giải pháp khắc phục.
Trong môi trường trường Đại học, sinh viên chính là những người tiếp cận với công nghệ mới một cách nhanh nhất và chịu ảnh hưởng nhất từ chính những công nghệ mới. Lê Tiến Dũng, sinh viên năm 4 Trung tâm đào tạo quốc tế cho biết: "Em cũng đã biết về ChatGPT và em cũng đã sử dụng nó nhưng theo em sinh viên nên lấy ý tưởng từ ChatGPT chứ không được dựa vào nó 100% vì lạm dụng nó sẽ làm mất đi sự sáng tạo của mình".
Ngô Quang Minh, sinh viên năm nhất, khoa CNTT của Đại học Thủy lợi có sự trải nghiệm khá thú vị về ChatGPT. Từ trải nghiệm của chính mình Minh cho rằng: “Hiệu quả ChatGPT đem lại đang bị mọi người thần thánh hóa, mọi người thường nói ChatGPT có thể thay thế được Google nhưng thực ra em thấy lượng data của nó chưa được chính xác cho lắm. Em có làm 1 video về ChatGPT trên tiktok. Em hỏi nó rằng sự khác biệt giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ có phải là anh em không thì nó trả lời đấy là 2 người khác nhau và đấy là 2 vị vua của 2 triều đại khác nhau ở Việt Nam. Nên em thấy ChatGPT thực sự có tác động đến nhiều mặt đối với những người như em nhưng chưa ảnh hưởng thật sự lớn đến chúng em.”
Theo Minh sinh viên không nên lạm dụng ChatGPT vì nếu lạm dụng nó sẽ ảnh hưởng đến sức sáng tạo và sự tự trau dồi kiến thức của mình, làm cho bản thân hạn chế nhu cầu tìm tòi học hỏi và ghi nhớ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng khoa CNTT, trường ĐH Thủy lợi đánh giá rất cao ý nghĩa của cuộc tọa đàm bởi theo ông đây là cơ hội để cho mọi người hiểu được sơ bộ về trí tuệ nhân tạo và công nghệ ChatGPT sau đó biết được ưu điểm và hạn chế của nó để ứng dụng vào trong công tác quản lý, công tác đào tạo, giảng dạy và học tập của nhà trường.
Theo ông Quỳnh, ChatGPT là một công nghệ có thể nói là siêu trí tuệ nên giúp ích rất nhiều cho cán bộ giảng viên và sinh viên trong nhà trường tiết kiệm thời gian và đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn trước với thời gian ngắn hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó cũng có những tác động đến những vấn đề về công tác thi cử. Nếu như không cẩn trọng trong vấn đề sử dụng nó cũng có thể tạo ra những kết quả không như mong đợi và nếu như không kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ dẫn đến hệ lụy không mong muốn. Đặc biệt trong khi kiểm tra, trong khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trước khi có ChatGPT thì sự kiểm soát dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng bây giờ có ChatGPT rồi để kiểm tra được với những công cụ trước nay là khó khăn nên nhà trường cũng phải nghiên cứu các giải pháp, các công nghệ phù hợp để áp dụng vào trong các tình huống mới này.
Ông Quỳnh cũng cho rằng: việc xuất hiện của ChatGPT sẽ gây áp lực đối với giảng viên, đòi hỏi giảng viên phải hiểu, phải làm chủ công nghệ rồi áp dụng vào việc giảng dạy, nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá. Ông Quỳnh khẳng định với sự ham học hỏi của các thầy cô trong nhà trường thì chúng tôi nghĩ rằng là các thầy cô sẽ đáp ứng được yêu cầu.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch cộng đồng giáo sư ngành CNTT, Phó chủ nhiệm chương trình KC 4.0 – chương trình trọng điểm ngành KHCN quốc gia về nghiên cứu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghiệp 4.0 giai đoạn 2019-2025 một trong 2 diễn giả của cuộc tọa đàm cho biết: Là trưởng nhóm chuyên gia viết chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, được Thủ tướng đã ban hành vào ngày 26/1/2021. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành đã tạo ra 1 định hướng rất quan trọng về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tất cả các lĩnh vực. Trong tất cả các bộ ngành, trong tất cả các địa phương đặc biệt là đối với giáo dục đại học. Trí tuệ nhân tạo là công nghệ hàm ngũ cho tương lai vì nó là một công nghệ số góp phần tạo ra những sản phẩm thông minh. Những sản phẩm thông minh ấy giúp cho tất cả các bên có thể thụ hưởng, tạo ra các giá trị gia tăng. Và điều đặc biệt là giá trị gia tăng ấy dựa trên trực tiếp từ dữ liệu. Thêm một lần nữa chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng các dữ liệu một cách hiệu quả để giải quyết các bài toán trong ứng dụng, trong sản xuất, trong kinh doanh, trong cuộc sống và đặc biệt là trong Giáo dục đào tạo.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, mỗi trường Đại học, mỗi người học có thêm 1 người bạn đó là ChatGPT. Mỗi người thầy có thêm 1 trợ lý, mỗi nhà quản lý có thêm người hỗ trợ. Vậy thì mỗi người trong hệ thống giáo dục đào tạo đều tìm thấy người bạn là ChatGPT, và mỗi người sẽ tìm ra 1 ứng dụng cho mình. Điểm quan trọng ở chỗ đây là 1 sản phẩm công nghệ và nó tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng giống như trước đây chúng ta đã có việc kết nối Internet, giống như việc chúng ta đã nói là đưa các dịch vụ trên WEB. Nó không chỉ là các dữ liệu có được trên web đã được thu thập, thậm chí đã được tổng hợp để đáp ứng yêu cầu của người dùng. Điều quan trọng bây giờ làm thế nào để chúng ta sử dụng một cách hiệu quả và minh bạch.
Người sử dụng chính là người cuối cùng chịu trách nhiệm về ý kiến còn mọi tư vấn kể cả ChatGPT chỉ là bạn đồng hành thôi. Có 1 lúc nào đấy người ta sẽ nói dạy đại học có khi chỉ cần kết nối internet và đến bây giờ sẽ có người nói rằng là tôi sẽ không cần học đại học, tôi không cần đến trường vì tôi có ChatGPT. Cách nhìn như thế nó hơi cực đoan. Bởi vì người thầy mãi mãi là thầy, theo tôi nghĩ là có sự xuất hiện của ChatGPT người thầy lại càng được tôn lên chứ không bị giảm đi.
Tất nhiên là người thầy có đầy đủ tố chất sáng tạo, và quan trọng của người thầy ở chỗ thổi được niềm đam mê, sự say mê và sáng tạo cho người học. Khi nào người ta truyền được điều đó cho người học thì đó mới là thành công. Còn ChatGPT không làm được chuyện đó vì người ta đã nói ChatGPT trong nghĩa nào đó chỉ là 1 con vẹt thông minh, biết nói. Nó thông minh là bởi vì cái gì nó cũng biết nhưng nó chưa đạt được mức độ cao về mặt trí tuệ, theo nghĩa là sáng tạo,thì rõ ràng nó không thể thay được vai trò vị thế của người thầy.
Sự xuất hiện của ChatGPT là cơ hội. Với cơ hội này thì thầy cô sẽ đỡ vất vả, người học đỡ vất vả nhưng chất lượng vẫn tăng. xuất hiện từ khóa là tăng năng suất, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của các bên :" Hãy đi tìm ra chìa khóa để nó đạt sự đồng thuận theo nghĩa như vậy. Đó chính là bài toán của các nhà quản lý giáo dục. Chúng ta không nên đóng cửa, hãy để cho học sinh tiếp cận, nhưng hãy để học sinh nói ra tôi đã dùng cái này cái kia. Nếu học sinh không làm như thế để có những cơ chế, giải pháp để ngăn ngừa, ngăn ngừa chủ yếu là phòng hơn là chống để cho các em có nhận thức là sử dụng 1 cách hiệu quả, có trích dẫn, có xác thực và có trách nhiệm. Tất cả những thứ ấy rất tốt và đương nhiên phải thay đổi, thay đổi theo hướng tốt, chắc chắn sẽ thu lại những kết quả tốt”, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy khẳng định.