Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024-2025 Hà Nội gồm 3 môn: Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Trong đó, môn Toán theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Những sai lầm dễ “mất điểm oan” trong môn Toán
Theo thầy Đinh Quang Cường, nhiều sai lầm có thể khiến thí sinh mất điểm oan môn Toán. Đầu tiên là nóng vội, làm luôn bài thi ngay sau khi nhận đề. Điều này dẫn đến việc nhiều thí sinh vấp phải ngay câu khó, dẫn đến mất thời gian, lấy được ít điểm, gây tâm lý hoang mang khi bắt đầu làm bài.
Lỗi thứ hai liên quan đến trình bày. Toán là môn tự luận, thí sinh sẽ bị trừ mỗi 0.25 điểm nếu “dính” lỗi này. Ví dụ, vẽ hình sai, quên không ký hiệu điểm trong bài hình.
Lỗi tiếp theo là không đọc kỹ một vòng từ câu đầu đến cuối để phân loại 3 loại câu dễ, trung bình, khó. Theo thầy Cường, trong những năm gần đây, đề thi vào lớp 10 thường giữ ổn định về mặt cấu trúc. Dù vậy, các em vẫn phải đọc thật kỹ. Đề thi môn Toán thường có 5 câu, từng câu có nhiều ý. Chúng ta cần đọc kỹ xem mỗi câu sẽ có hướng giải quyết thế nào, sau khi phân loại thì câu dễ làm ngay. Những câu trung bình thì nháp cẩn thận, sau đó mới trình bày vào bài. Cuối cùng là “xử lý” những câu khó.
Nắm chắc kiến thức của 75% câu dễ
Để đạt điểm rơi phong độ cao nhất trong môn Toán, thầy Cường đề ra chiến lược được chia thành 2 giai đoạn: từ nay đến trước ngày thi và khi bước vào phòng thi.
Theo đó, trước khi bước vào kỳ thi, cần xây dựng đồng hồ sinh học khoa học. Giờ thi sẽ bắt đầu lúc hơn 7h sáng. Vì vậy, ngay từ lúc này thí sinh tập dậy sớm - 5h30 thức dậy, 6h ăn sáng, hơn 7h ngồi vào bàn học, 12h nghỉ trưa, 1h chiều bắt đầu tiếp tục tự ôn tập. Đây là cách để đồng hồ sinh học quen thời gian đi thi thật.
Từ nay đến ngày thi không còn nhiều thời gian, thí sinh cần xem lại cấu trúc đề thi. Thời điểm nay cần rà lại 75% câu dễ, không nên ôm đồm học quá khuya, tạo tâm lý căng thẳng, sa đà vào mạng xã hội, giữ ổn định chế độ ăn, tập luyện thể thao.
Thông thường, bài thi chiếm 70-75% câu dễ, chỉ cần học chắc kiến thức lớp 9 thí sinh đã làm được bài. Phần đại số có 2 ý liên quan hệ thức Vi- ét và ý cuối lấy 0.5 điểm rất khó liên quan đến bất đẳng thức, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, phương trình bậc cao.
Về phần hình học (chiếm 3-3,5 điểm), ý cuối sẽ là ý phân loại, thường rơi vào dạng chứng minh 2 đường thẳng song song hoặc đẳng thức trong hình học. Những ý cuối giúp thí sinh lấy điểm 8.5 điểm trở lên. Do vậy, thí sinh cần chắc 75% kiến thức cơ bản ở giai đoạn cuối ôn tập. Trong giai đoạn gấp rút này, không nên sa đà vào kiến thức khó sẽ gây hoang mang trước kỳ thi.
Sát ngày thi, thí sinh cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ như: giấy báo dự thi, căn cước công dân, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ làm bài. Đặc biệt, cần chuẩn bị 2 máy tính đề phòng một máy gặp trục trặc.
Về bút viết, do điểm trình bày được đánh giá cao trong đề thi Toán nên thí sinh cần chuẩn bị bút ngòi to, nét đậm, tránh mua bút ngòi quá mảnh.
Chiến thuật lấy điểm tối đa
Bước vào phòng thí, thí sinh cần dành 5-10 phút đầu đọc kỹ đề, phân loại câu nào chắc chắn làm được, câu nào là câu có khả năng làm được, câu nào chưa khẳng định làm được vì khó quá. Sau khi phân loại mức độ khó- dễ của các câu, thí sinh tiến hành làm lần lượt từ câu dễ trước, câu trung bình, câu khó sau.
“Quá trình làm chú ý, câu đầu tiên liên quan đến rút gọn biểu thức thì phải chú ý trình bày luôn trong bài thi vì dễ và không cần nháp. Chỉ có câu hỏi phụ liên quan rút gọn biểu thức mới cần phải nháp”, anh Cường nói.
Tiếp theo, khi giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình cần chú ý tìm điều kiện của biến. Theo anh Cường, nhiều bạn đặt biến chuẩn nhưng quên tìm điều kiện của biến dẫn đến giải ra có 2 đáp án nhưng có 1 đáp án không phù hợp với điều kiện của biến. Tuy nhiên, do quên tìm điều kiện của biến dẫn đến kết luận sai.
Về phần hình học, thầy Cường lưu ý thí sinh cần vẽ hình ra ngoài giấy nháp trước. Hình vẽ cần đảm bảo thoáng đãng, dễ nhìn. Sau đó vẽ lại vào tờ giấy thi. Sau khi có được hình đẹp thì cần “chuốt lại” xem có thiếu cạnh hay đã đặt tên cho các điểm chưa.
Theo thầy Đinh Quang Cường, ý đầu của bài hình thường là chứng minh tứ giác nội tiếp. Quá trình ôn thi, các em nên rà lại kiến thức phần đó. Các câu sau, đặc biệt là những câu cuối thường khó hơn như: chứng minh đẳng thức trong hình học, hoặc chứng minh 2 đường thẳng song song. Luôn nhớ, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đặc biệt, câu nào nào khó quá thì tạm thời dừng lại.
“Một câu có nhiều ý, chúng ta không nhất thiết làm hết ý của câu này mới chuyển sang câu khác. Khi đến ý nào khó quá, không làm được thì cần bảo lưu tờ giấy nháp để làm câu tiếp theo. Còn thời gian mới quay lại giải quyết các câu khỏ chưa làm được”.
Thầy Cường lưu ý thí sinh cần tận dụng tờ giấy nháp để làm tiếp và không phải nháp lại. “Nhiều thí sinh không bảo lưu tờ giấy nháp. Mỗi lượt quay lại làm câu khó hơn thì đọc đề lại từ đầu, nháp lại từ đầu sẽ mất một lượng thời gian nhất định”.
Cuối cùng, khi đã “xử lý” hết những câu dễ, trở lại với các câu khó. Trong trường hợp không tìm ra kết quả cuối cùng thì thí sinh vẫn có hy vọng lấy được điểm ở những câu khó. Bởi theo thầy Cường trong barem chấm thi, dù không giải ra được kết quả cuối cùng nhưng quá trình làm thí sinh có thể biến đổi được một bước nào đó thì vẫn dành được điểm trong barem.
“Nhiều bạn nghĩ rằng phải giải ra đáp số cuối cùng thì mới viết trong bài thi nhưng đó là sai lầm. Đôi khi chúng ta chỉ biến đổi được một bước nào đó trong bài làm thì đã có điểm. Chúng ta cần tận dụng thời gian còn lại để tối đa số điểm, không nên đầu hàng sớm, phải chiến đấu hết cả thời gian bù giờ. Chúng ta cố gắng lấy điểm được bước nào hay bước đấy”, thầy Cường nói./.