Nhóm I-Tech gồm 4 sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và 1 sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đã cùng nhau tạo nên một mô hình giải pháp giải quyết bài toán giảm thiểu rủi ro trong vận chuyển hoa quả, hải sản bằng container lạnh, hỗ trợ tối ưu chuỗi cung ứng Logistics bằng việc ứng dụng công nghệ IoTs và trí tuệ nhân tạo (AI). Người nghe nhóm thuyết trình, cũng là nhà tài trợ đầu tiên của nhóm là người cậu của nhóm trưởng Trần Hạo Nam. “Cậu cùng các thầy/cô giáo Bách khoa đã khuyến khích, động viên chúng em theo đuổi nghiên cứu đến cùng, đến được vòng chung kết cuộc thi SV-Startup” – Hạo Nam chia sẻ.


Nhóm I-Tech gồm các thành viên: Trần Hạo Nam - Cơ điện tử 1; Ngô Anh Tuấn – CNTT - CĐT; Hoàng Đức Thịnh - CĐT 5; Phan Nguyên Anh - ICT 01– Lab Alumi, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đoàn Phan An – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Trần Hạo Nam nung nấu ý tưởng từ hồi dịch bệnh Covid-19, hàng hóa tắc biên, bà con nông dân vất vả khổ cực khi nông sản, hải sản bị hỏng không cứu vãn được. Nam quyết tâm phải làm cái gì đó ứng dụng những kiến thức học ở Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm hỗ trợ quá trình vận chuyển hàng hóa. Tập hợp các bạn cùng chí hướng ở Lab Alumi, Trường Cơ khí và một người bạn ở trường hàng xóm Bách khoa, nhóm I-Tech ra đời với sự hướng dẫn của TS. Trương Công Tuấn – Giảng viên Trường Cơ khí, Bí thư Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khởi đầu, nhóm nghiên cứu còn khá khó khăn. Trong đầu đầy ắp ý tưởng nhưng trong tay lại chưa có gì! Một lần gặp cậu – một chủ doanh nghiệp, Hạo Nam chia sẻ về nhóm nghiên cứu của mình, dự án nhóm đang làm… Cậu rất hào hứng với ý tưởng nghiên cứu này, cho nhóm lời khuyên để sản phẩm phù hợp hơn với thị trường và cho mượn nhà xưởng ở Đông Anh để làm việc.

“Đó là nhà tài trợ đầu tiên của nhóm chúng em. Chúng em vui lắm. Lăn lộn ăn ngủ cả ngày ở xưởng để cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.” – Hạo Nam kể. Nhà tài trợ đầu tiên này chính là hậu phương gia đình nhóm. Tin tưởng vào nhà trường, vào sự dẫn dắt, định hướng của thầy/cô giáo với con/em mình, các bậc phụ huynh đều ủng hộ con em nghiên cứu, sáng tạo, góp phần vào sự thành công của mỗi sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mỗi thành viên nhóm I-Tech học một chuyên ngành khác nhau, chuyên môn khá sâu, được phân vai, nhiệm vụ khác nhau về thiết kế, lên ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm… Hạo Nam đảm nhận vai trò trưởng nhóm, kiểm tra tiến độ, đốc thúc các bạn… và cả dung hòa khi nhóm có xung đột về ý tưởng… Các chàng trai Bách khoa rất đoàn kết nên nếu có “khúc khuỷu” (lời Hạo Nam) nhưng cuối cùng đều vì cái chung nên rất vui vẻ, nhiệt tình hợp tác với nhau, “chạy” rất mượt.

Nhóm đã vượt qua những khó khăn về tối ưu linh kiện, đặc biệt là việc kiểm thử trong môi trường thực tế, phải kiểm thử trong những môi trường có tính chất tương tự để chứng minh sản phẩm thành công, với những dẫn dắt, định hướng của thầy hướng dẫn – TS. Trương Công Tuấn - ý tưởng của nhóm đã dần thành hình hài.


Nhóm đặt tên cho sản phẩm của mình là S-Cubic - khối hộp cảm biến thông minh: S có nghĩa là cảm biến (sensor) vừa có nghĩa là thông minh (smart), Cubic là khối hình lập phương của thiết bị. S-Cubic ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các cảm biến hiện đại để đo đạc và thu thập các dữ liệu môi trường, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), Vạn vật kết nối (IoT) vào việc theo dõi quá trình vận chuyển nhằm kiểm soát, dự báo và đưa ra các cảnh báo sớm cho đơn vị vận chuyển về trạng thái của hàng hoá, từ đó giảm thiểu các rủi ro và sự cố xảy ra khi vận chuyển.

S-Cubic nhỏ gọn, tính di động cao, dễ lắp đặt. Thiết bị được tích hợp thuật toán thông minh nhằm cảnh báo các sự kiện, các thông tin trong lộ trình di chuyển (giao thông, công trình, thời tiết... gặp vấn đề trong quá trình di chuyển) để có cách xử lí hoặc đổi lộ trình kịp thời.

Nhóm sinh viên Trường Cơ khí tự hào chia sẻ: Có nhiều đơn vị phát triển sản phẩm có tính năng tương tự, thậm chí họ phát triển cả một thùng container thông minh tích hợp các cảm biến, nhưng giá thành khá cao khoảng 700 triệu đồng. Sản phẩm của chúng em áp dụng cho bất kỳ container nào, cải tạo nó, biến nó thành một container thông minh hơn, giá thành (sản xuất mẫu thử) chưa đến 10 triệu đồng, ngoài ra có phí sử dụng thường niên của app và web. Giải pháp của nhóm hướng đến mục tiêu vừa rẻ, vừa có công hiệu cao.

Một bộ S-Cubic bao gồm 1 thiết bị xử lí trung tâm (Master box), 4 thiết bị thu thập dữ liệu môi trường (Slave box), 1 Website, 1 phần mềm ứng dụng (Application). Thiết bị Master được đặt trong cabin của xe container với kích thước: 10x10x10 cm, nguồn lấy trực tiếp từ buồng lái, có chức năng thu thập dữ liệu từ Slave, xử lí dữ liệu, tích hợp định vị (GPS), truyền dữ liệu tới điện toán đám mây; Thiết bị Slave được đặt trong thùng container có kích thước: 3x7x7 cm; nguồn pin dự phòng (3-6 tháng), dùng để thu thập dữ liệu môi trường, Gửi dữ liệu tới thiết bị Master.

So sánh với các sản phẩm đã có trên thị trường như: Data logger Fourtec, PICOLITE…, S-Cubic có những cải tiến nổi bật hơn với khả năng tích hợp các chức năng khác nhau và tính nổi bật về công nghệ: Sản phẩm của I-Tech là dữ liệu theo thời gian thực, cập nhật liên tục lên hệ thống, trong khi các thiết bị đang phổ biến chỉ có thể trích xuất dữ liệu sau khi container được dỡ ra.

Nhóm còn thiết kế web và app sao cho phù hợp với từng đối tượng: Web thiết kế đặc thù cho công ty logistic có thể tích hợp vào tài nguyên họ đang có sẵn; App có thiết kế phù hợp với lái xe, dỡ hàng… để họ có thể dễ dàng sử dụng, không cần qua tập huấn.

Trong thời gian tới, nhóm I-tech sẽ nâng cấp sản phẩm để có thể tích hợp với các xe container hiện đại đã có sẵn các cảm biến: Cảm biến áp suất lốp, cảm biến đo dung tích xăng... từ đó, tính toán các thông số về xăng, độ căng bánh xe, kết hợp AI để đưa ra cảnh báo, chuẩn bị trước để tối ưu hoá quá trình vận chuyển.


Khi được hỏi về kinh nghiệm đi thi với sản phẩm S-Cubic, nhóm I-Tech hào hứng kể về cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 do Đại học Bách khoa tổ chức mà nhóm vừa tham dự, được một số chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm. Không chỉ xin thông tin liên lạc, các chuyên gia còn cho nhóm những lời khuyên hữu ích cho sản phẩm, cho chiến thuật marketing… Thi xong Sáng tạo trẻ, nhóm còn gửi email đến các công ty xin họ góp ý cho nhóm để sản phẩm tiếp cận nhanh chóng với thị trường. Những phản hồi của doanh nghiệp đã giúp nhóm hoàn thiện hơn sản phẩm và dự án của mình.

Hạo Nam và Đức Thịnh chia sẻ: Sản phẩm của chúng em có tính thực tế rất cao, nên nhóm sẽ chuẩn bị trực quan nhất để giám khảo chỉ cần nhìn qua thôi là đã biết sản phẩm có tính năng gì, chúng em sẽ làm một mô hình giống xe container thực sự, có một thùng kín, bỏ sản phẩm vào trong, có web và app chứng minh sản phẩm đã hoạt động, truyền các thông số ra ngoài…

Nhìn những ánh mắt nhiệt huyết khi giới thiệu về sản phẩm của nhóm I-Tech, mới thấy sự say mê học tập và cả sự ngưỡng mộ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm. Như tâm sự của Đức Thịnh: “Em phục Hạo Nam về việc theo đuổi mục tiêu, đã quyết làm gì là làm đến cùng”. Còn Hạo Nam thì: “Em tin tưởng các thành viên về độ am hiểu chuyên môn và tinh thần trách nhiệm rất cao”. Sự gắn kết đó đã tạo nên sức mạnh tập thể của nhóm, là một trong những “bí kíp” giúp I-tech vượt qua nhiều đội thi, đi đến vòng chung kết SV-Startup tại Huế.


Sản phẩm độc đáo, sáng tạo, khả thi S-Cubic sẽ đi vào đồ án tốt nghiệp của các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Tương lai xa, khi có nhà đầu tư, có vốn, cơ sở sản xuất để phát triển sản phẩm, nhóm I-Tech sẽ khởi nghiệp từ ý tưởng này!