Để có 1 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhiều bạn trẻ phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho việc học luyện và cũng không phải ai cũng thành công trên hành trình chinh phục.
Nếu không có tiền bạn có thể học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không? Có những kinh nghiệm nào để đạt hiệu quả cao cho cuộc thi kỹ năng này? Đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có phải bạn đã đạt đỉnh và hoàn toàn có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong đời sống sinh hoạt?
Luyện IELTS có những con đường nào?
Có lợi thế học ngành Sư phạm tiếng Anh, tiếp xúc với dạng đề thi IELTS từ khá sớm nên năm 2011, ngay trong lần thi đầu tiên, cô Hải Hà đạt mốc 8.0 IELTS hoàn toàn dựa trên những kiến thức thu thập được từ việc học tiếng Anh suốt những năm tháng phổ thông cùng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở trường đại học. Vừa làm cho một công ty nước ngoài, vừa dạy thêm buổi tối giúp cô Hải Hà nâng cao năng lực tiếng Anh một cách rất tự nhiên để đến cuối năm 2016 đạt 9.0 IELTS trong lần thi thứ hai.
Trước thực tế nhiều bạn học sinh vùng ven phải lặn lội lên trung tâm thành phố theo các lớp học luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho xét tuyển đầu vào của nhiều trường đại học, cô giáo Trương Hải Hà, một trong những người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 IELTS, tác giả cuốn sách IELTS Writing navigator: Towards Error-free Essays, từ trải nghiệm cá nhân cho rằng một bạn trẻ hoàn toàn có khả năng tự học và thi đạt chứng chỉ. Chỉ có điều các bạn sẽ phải gia công nhiều hơn, quyết tâm, bền bỉ theo đuổi mục tiêu theo phương thức tích lũy dần dần từ quá trình học ở trường phổ thông.
Theo cô Hà, học tốt kiến thức ở trường góp phần tạo nền tảng vững chắc để các bạn tự học luyện thi. Cô Hà cho rằng, hiện nay có rất nhiều khóa học online do các thầy cô có uy tín cung cấp và các bạn học viên hoàn toàn có thể lựa chọn với mức chi phí phù hợp. Sách hướng dẫn luyện thi với kinh nghiệm chinh phục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng đã không còn hiếm. Và thậm chí nguồn tài liệu miễn phí từ Youtube vô cùng phong phú. Bạn học sinh nào rèn luyện được kỹ năng tự học hoàn toàn đủ khả năng chắt lọc và lựa chọn.
Chỉ riêng tiếng Anh, hiện nay có ít nhất 2 chứng chỉ quốc tế phổ biến gồm IELTS, TOEIC, ngoài ra còn có SAT, bài kiểm tra năng lực chuẩn hóa bằng tiếng Anh. Tùy theo từng mục đích khác nhau, năng lực ngoại ngữ khác nhau, các bạn trẻ có thể có những lựa chọn khác nhau.
Với IELTS, theo cô Hải Hà, thí sinh sẽ phải trải qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết và có tính học thuật cao, độ phức tạp tương tự những gì các bạn có thể sẽ đọc, nghe trong quá trình học tập ở những quốc gia nói tiếng Anh. Bởi lẽ đó, chứng chỉ IELTS có giá trị cho việc du học hoặc sử dụng như một điều kiện xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam.
Chứng chỉ SAT đã trở nên khá phổ biến với các bạn du học sinh Mỹ từ chục năm trở lại đây. Gần đây, SAT được một số trường đại học chấp nhận như một điều kiện tuyển sinh khác bởi bên cạnh kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ, thí sinh còn được kiểm tra về toán học.
Riêng với chứng chỉ TOEIC sẽ khác biệt ở tính thực tiễn, phù hợp với người đi làm hơn với hai phiên bản phổ biến gồm kiểm tra 2 kỹ năng nghe đọc và đầy đủ 4 kỹ năng.
Có chứng chỉ chưa phải đích đến
Hiện tại, rất nhiều trường đại học hàng đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đã và đang tạo nên một cuộc chạy đua rất rất tốn kém và đôi khi không thực sự hiệu quả. Dù các bài thi năng ngoại ngữ quốc tế đều có tính phân loại rất cao và có khả năng đánh giá tương đối chính xác năng lực sử dụng ngoại ngữ của người học, nhưng cô Hải Hà cho rằng đây không nên coi như cái đích duy nhất để các bạn hướng tới.
Thực tế, nhiều bạn trẻ đạt IELTS 7.5, 8.0 thậm chí cao hơn nữa nhưng khi sang nước ngoài, buộc phải vào môi trường học thuật hay công việc phải sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, các bạn sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như bài thi IELTS đánh giá đủ cả 4 kĩ năng nhưng một bài thi có giới hạn về thời gian cũng như lượng kiến thưc, không thể kiểm tra được 100% những tình huống, hoàn cảnh mà bạn sẽ phải sử dụng tiếng Anh.
“Trải nghiệm cá nhân của mình tương tự như thế. Mặc dù mình chưa phải ra nước ngoài làm việc nhưng mà mình cũng đã làm việc với người nước ngoài 100 % vào thời điểm đã có IELTS 8.0 rồi. Lúc đó mình làm cho một công ty luật của Úc. Hàng tuần sẽ có buổi chỉ lắng nghe trên điện thoại độ khoảng 10 đến 20 luật sư khắp nơi trên thế giới chia sẻ về những diễn biến mới về luật mới của các nước hoặc những vấn đề liên quan. Mình vận dụng 100 thậm chí 200% công lực vẫn không nghe được. Từ ví dụ này, bạn có thể tưởng tượng cả những trường hợp khác như các bạn học ngành y chẳng hạn, chứng chỉ đâu dạy cho các bạn kiến thức chuyên ngành về y học và giờ học các bạn sẽ nghe, nói như thế nào?”, cô Hải Hà phân tích.
Việc đặt ra mục tiêu rất quan trọng, giúp các bạn trẻ nhìn thấy điểm hướng tới. Tuy nhiên khi đạt rồi các bạn vẫn cần tiếp tục cố gắng bởi nếu dừng lại các bạn sẽ tự tụt lại phía sau.
Giữa rất đông các trung tâm, giáo viên tổ chức luyện thi, để các bạn trẻ có thể lọc và tìm được địa chỉ uy tín theo cô Hải Hà có những điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, bản thân giáo viên cũng cần đạt chứng chỉ ở mức giỏi với các kĩ năng để có đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức hỗ trợ học viên. Thứ hai, giáo viên cần có kĩ năng sư phạm bởi thực tế theo cô Hải Hà, nhiều bạn có chứng chỉ IELTS cao đến rất cao nhưng giữa việc giỏi của bản thân với việc truyền đạt kiến thức và giúp người khác tiếp thu đôi khi không đồng nhất. Yếu tố này theo cô Hà chính là kỹ năng sư phạm.
Cái tâm của người giáo viên theo cô Hà cũng vô cùng quan trọng. Đó là sự ấm áp, gần gũi, động viên khích lệ kịp thời để học viên trong lúc chênh vênh, mất phương hướng có thể định hình lại bản thân.
“Khi quyết định đi dạy, tôi luôn nhớ một câu chuyện hồi còn học phổ thông. Vào một ngày mùa đông lạnh, mình đứng ở một góc cửa lớp và ho, cô giáo dạy Văn khi ấy đi qua đã quàng cho cái khăn và nói Hà mặc ấm, không để ho nhé. Chính sự ấm áp, gần gũi và yêu thương của cô khiến mình luôn nhớ, luôn cố gắng làm nghề giáo bằng cái tâm. Và bởi lẽ đó, giáo viên dạy IELTS hoặc môn gì đi chăng nữa thì theo mình đây cũng được coi là yếu tố cực kỳ quan trọng”, cô Hải Hà tâm sự.
Với học viên, để đạt được mục tiêu trong học tập, không chỉ với chứng chỉ ngoại ngữ đều cần có động lực tự thân. Giai đoạn bắt đầu ai cũng có khả năng làm được. Nhưng để duy trì hành động mới khó. Riêng học ngoại ngữ cần thời gian rất dài, không thể ngày một ngày hai, đòi hỏi phải có khả năng duy trì việc học rất là lâu, bắt buộc các bạn phải có một nguồn động lực lớn. Không ai có thể theo và thúc đẩy các bạn việc học đến 10 năm, 20 năm. Tất cả cần bắt đầu bằng mong muốn và đam mê chinh phục đỉnh cao cũng như tìm được niềm vui trong tìm kiếm tri thức.
Viết sách như cách để chia sẻ chính những trải nghiệm bản thân
Ấp ủ từ lâu nhưng mãi đến tháng 10 vừa qua, cô Hải Hà mới hoàn thành cuốn sách: “IELTS Writing navigator: Towards Error-free Essays”. Sở dĩ, để cùng lúc đảm đương nhiều phần việc mà vẫn cố gắng viết sách chia sẻ kinh nghiệm trong luyện thi IELTS theo cô Hà bắt nguồn từ thực tế quan sát học viên ở nhiều tỉnh thành thiếu nguồn học liệu phù hợp thực tế và lạc lối giữa vô vàn thông tin.
“Mình muốn đóng gói những kiến thức bản thân đã tích lũy và gặt hái được những kết quả nhất định trong một hình hài dễ tiếp cận với mức giá ai cũng có thể tiếp cận được. Ở đó có tất cả những kiến thức mình học được và cả những kiến thức mà mình quan sát được trong vai trò của một giáo viên thấy học viên của mình mắc phải trong quá trình học. Việc những học viên thành công khiến mình cảm thấy bản thân có giá trị trong đời, thấy hạnh phúc kinh khủng”, cô Hà tâm sự về lí do viết sách của mình.
Sở dĩ trong cuốn sách đầu tay, cô Hải Hà tập trung vào kỹ năng viết bởi đây được xem như kỹ năng khó, mọi lỗi đều thể hiện trên “giấy trắng mực đen”. Đồng thời đang có quá hiều hiểu lầm về bài thi này như: Dùng từ đao to búa lớn thì điểm cao; Viết câu cồng kềnh, dài, phức tạp thì điểm cao; Dùng nhiều từ nối thì điểm cao; Chép văn mẫu thì điểm cao. Lời khuyên quan trọng nhất để đạt mục tiêu ở kĩ năng viết theo cô Hà, học viên cần bám theo tiêu chí chấm để phá bỏ các hiểu lầm và vạch rõ con đường ngắn nhất đến “đích 7.0 IELTS writing”.
Nhưng dẫu thế nào, để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, cô Hà cho rằng mỗi học viên phải tự nỗ lực đọc, nghe thật nhiều bằng việc tự tạo môi trường cho bản thân và cần thật chăm chỉ. Các bạn không trông chờ vào các mẹo mực, các bước đi tắt, đón đầu.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV Hành trang trẻ với cô giáo Trương Hải Hà: