Dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được Bộ GD-ĐT công bố, Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 nhất với 1.232 điểm 10, tập trung ở môn Giáo dục công dân 1.025 và Ngoại ngữ 106. So với năm ngoái, số điểm tuyệt đối của Hà Nội tăng hơn hai lần.

Phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng cho thấy, cả nước có 656 thí sinh điểm liệt. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu về số điểm liệt: 77 bài bị điểm liệt; tiếp đó đến TP. Hồ Chí Minh: 45, Thanh Hóa: 37, Đắc Lắc: 34, Hà Giang: 23 điểm liệt.

Đáng chú ý, TP. Hà Nội xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể với tổng điểm trung bình của 9 môn thi là 59,27 (trung bình 6,58 điểm/môn).

Trên bảng xếp hạng, học sinh tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu khi có tổng điểm các các môn thi cao nhất: 64.97 điểm (trung bình 7,21 điểm/môn); Xếp phía sau là học sinh tỉnh Bình Dương với tổng điểm là 64,45 (trung bình 7,15 điểm/môn); Xếp vị trí thứ ba là Nam Định với tổng điểm là 63,99 (trung bình 7,11 điểm/môn).

Với bảng xếp hạng này, TP. Hà Nội xếp sau cả An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang - những địa phương thuộc "vùng trũng" về giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả xếp hạng này khiến nhiều người bất ngờ bởi TP. Hà Nội được đánh giá có chất lượng dạy và học hàng đầu cả nước, phụ huynh đầu tư học tập rất lớn, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội luôn căng thẳng nhất so với các tỉnh, thành phố còn lại.

Trao đổi với VOV2, chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất nói, sẽ cực đoan nếu nghĩ rằng điểm thi của một địa phương nào đó cao hơn Hà Nội là do coi thi lỏng lẻo.

Ông cho rằng, nhiều học sinh của TP. Hà Nội hay các thành phố lớn khác chỉ coi kỳ thi tốt nghiệp là kỳ thi thủ tục, chỉ cần đỗ tốt nghiệp chứ không cần điểm cao, thậm chí cũng không cần điểm khá, khi mà các em đã chắc chắn vào được trường đại học hay có học bổng du học. Các em đi thi mà không nghĩ tới “màu cờ, sắc áo” của địa phương mình.

“Việc Hà Nội và nhiều thành phố lớn xếp sau nhiều địa phương về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT không có gì đáng buồn vì nhiều học sinh Hà Nội đã trúng tuyển đại học, nhận học bổng du học trước khi thi tốt nghiệp. Ngược lại, một số tỉnh có điểm thi xếp trên Hà Nội cũng không nên quá tự hào vì đánh giá chất lượng giáo dục, chất lượng học sinh không thể qua một kỳ thi mà mục tiêu chính chỉ để xét tốt nghiệp”, TS. Lê Thống Nhất nói.

Cũng liên quan đến xếp hạng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của các địa phương, ông Nhất cho rằng, khi nhìn kết quả hay bảng xếp hạng kết quả thi sẽ có những câu hỏi hoài nghi. Ví dụ, vì sao kết quả thi môn Ngữ văn của địa phương A lại đứng đầu cả nước, ngoài sự tưởng tượng của nhiều người; Đối chiếu điểm thi và điểm học bạ cũng thấy độ chênh lệch không ít.

Mặc dù điểm của một kỳ thi cho ta biết nhiều điều nhưng sự xếp thứ tự điểm thi của các địa phương chưa hẳn đã là thứ tự đánh giá cho chất lượng dạy và học. Để đánh giá chất lượng dạy và học cần phải có những tiêu chí khác nữa, chỉ điểm thi tốt nghiệp THPT là không đủ.

Bấm nghe chương trình 30 phút cùng VOV2

(Chuyên gia giáo dục TS. Lê Thống Nhất)

Liên quan đến điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn có đến 46% bài thi đạt từ điểm khá giỏi trở lên (từ điểm 7), sự phân hóa đề thi liệu có vấn đề? Ông Nhất phân tích, việc môn Ngữ văn và Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi so với các môn còn lại không hẳn do chất lượng đề thi.

“Có thể là 2 môn Ngữ văn và Giáo dục công dân học sinh vẫn dễ ôn tập hơn là các môn còn lại hoặc là yêu cầu về chuẩn kiến thức trong chương trình hiện hành cũng ở mức độ chưa cao. Ví dụ như với môn Ngữ văn, số các tác phẩm mà học sinh phải học khá ít và thi đi thi lại nhiều lần nên các thầy cô cũng ôn tập cho học sinh hiệu quả hơn. Tới năm 2025 theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng tới đánh giá năng lực thì điểm 2 môn này chưa hẳn đã giữ được sự tăng tiến như hiện nay”, TS. Lê Thống Nhất chia sẻ.